31 tháng 7, 2016

Lộ diện “ông lớn quyền lực” bảo kê cho nhiều bê bối ở Việt Nam

Tác giả: Bùi Hải 
Khi có chuyện lình xình, người ta không khoe “bố làm to” nữa mà gọi ngay tên ông lớn quyền lực “Đúng Quy Trình” để bảo kê cho tội lỗi. 
Cái thời mà người dính bê bối úp úp mở mở về “một ông anh” có vẻ đã qua rồi. Rất nhiều quan chức dính chàm gần đây đã gọi thẳng tên một ông lớn đầy quyền lực. 
Ông lớn ấy mang họ Đúng, tên Quy Trình. Mr. Đúng Quy Trình. 
Gần đây đã có một sự dịch chuyển rất thú vị về mặt hiện tượng. Ngày trước, khi muốn tăng sức nặng của tên tuổi, người ta hay khoe: “Nhà mặt phố, bố làm to”. 
Bây giờ, những người có số má lại muốn những dinh thự mặt phố nguy nga của mình trở nên vô hình vô ảnh trên báo chí và mạng xã hội. 
Ảnh minh họa. 
>>> Xem thêm những bài viết cùng tác gải Tại Đây
Khi có chuyện lình xình, người ta không khoe “bố làm to” nữa mà gọi ngay tên ông lớn quyền lực “Đúng Quy Trình” để bảo kê cho tội lỗi. 
Ngay cả ông bố bộ trưởng cũng hết sức tránh việc trực tiếp ký quyết định bổ nhiệm con trai vào ghế cao của một tập đoàn quyền lực. Thế là thứ trưởng phải ký. 
Ông ấy cũng chẳng muốn liên quan đến việc cất nhắc con mình nên Mr Quy Trình Đúng phải ra tay: Tập đoàn kia chủ động xin người “đủ tiêu chuẩn”, chứ ông Bộ trưởng đâu có tác động gì, ưu ái gì. 
Khi xảy ra việc bổ nhiệm, sử dụng nhân sự, thực hiện dự án “Đúng Quy Trình” nhưng lại gây hậu quả nghiêm trọng, việc đầu tiên người ta nghĩ ngay đến câu hỏi: Quy trình đã đủ chặt chẽ chưa? 
Nhưng câu hỏi quan trọng nhất, lẽ ra phải hỏi liên tục, thì lại bị quên lãng: Người đề xuất, người ký bổ nhiệm, cấp trên trực tiếp của người làm sai đó, đã bị xử lý trách nhiệm chưa? 
Quy trình chặt chẽ đến đâu mà trao vào tay kẻ thừa hành vô trách nhiệm, cơ hội, tham lam, biến chất, thì quy trình ấy, đôi khi còn trở thành công cụ để triệt hạ nhau và cản trở phát triển. 
Quy trình luân chuyển cán bộ là biện pháp rất tốt cho cán bộ được thử thách bản lĩnh và năng lực ở những vai trò, vị trí, địa bàn khác nhau, trước khi có thể đảm nhiệm vị trí quan trọng hơn. 
Nhưng quy trình ấy có thể được cá nhân hoặc một nhóm lợi ích biến thành “vòng kim cô” để vây hãm người giỏi và đối thủ. 
Làm thế nào để Quy Trình Đúng không bị bóp méo và vẫn sàng lọc được những con sâu đục khoét, bất tài vô dụng? 
Làm thế nào để Mr. Quy Trình Đúng không bị dụ dỗ bởi những kẻ vận hành tha hóa? 
Đó là câu hỏi quá khó, nhưng không phải không có cách trả lời. 
Một tỉ phú ở Việt Nam có một giải pháp rất hay để nâng cao năng lực quản trị tập đoàn và năng lực làm hài lòng khách hàng. 
Ông cho lập và chỉ đạo nhân viên tham gia rất nhiều nhiều group mạng xã hội: Facebook, diễn đàn…Thành viên của những group ấy đều là khách hàng của tập đoàn này. 
Vì thế bất kỳ một phản ánh, kiến nghị, một sự chưa hài lòng nào của khách hàng về thái độ nhân viên, về dịch vụ… đều đến một cách nhanh nhất với những người quản lý của tập đoàn trên. Sau đó, việc xử lý cũng diễn ra một cách nhanh nhất. 
Theo tỉ phú này, trước khi có các group mạng xã hội, Ban thanh tra của tập đoàn ông có rất nhiều người. 
Nhưng nhờ có tai mắt của hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn “thanh tra viên không ăn lương” – chính là khách hàng tập đoàn – nên đội ngũ thanh tra của tập đoạn của vị tỉ phú trên đã giảm thiểu và hiệu quả tối đa. 
Cách làm này là một gợi ý hoàn hảo để hạn chế tối đa việc trao quyền, trao tiền nhầm vào tay người xấu hoặc thiếu năng lực, dù viêc trao ấy diễn ra dưới sự bảo kê của Mr. Đúng Quy Trình. 
Vài người đề xuất, bổ nhiệm có thể nhầm hoặc cố tình nhầm, nhưng dưới con mắt “thanh tra, giám sát” của hàng trăm, hàng ngàn, hàng triệu nhân dân, thì rất khó nhầm. 
Năm 2015, Ban Thi đua khen thưởng đưa ra danh sách 42 cá nhân tập thể được đề nghị phong tặng anh hùng (trong đó có tập đoàn Điện lực – EVN) để lấy ý kiến nhân dân. 
Dù Bộ Công thương lúc đó của ông Vũ Huy Hoàng đã đề xuất và hết sức bảo vệ cho EVN được phong anh hùng, nhưng hàng triệu người dân và báo chí đã phản đối. 
“Thanh tra toàn dân” và báo chí đã đưa ra những dẫn chứng không thể chối cãi: Tuy có nhiều thành tích, nhưng tập đoàn này cũng dính khá nhiều bê bối như liên tục kêu thua lỗ, đòi tăng giá điện, sai sót nhập nhèm tính số điện cho dân… 
Cuối cùng, EVN và 9 cá nhân, tập thể khác đã phải rút khỏi danh sách đề nghị phong anh hùng vì có đơn thư và bị “con mắt xã hội” đưa ra nhiều chứng cứ cho thấy không đủ tư cách, phẩm chất anh hùng. 
Thời nào cũng vậy, tai mắt nhân dân luôn là sáng suốt, tinh tường. “Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Bia miệng chính là biểu hiện rõ ràng nhất của sự sáng suốt, không nhìn lầm của nhân dân. 
Nhưng làm thế nào để sự sáng suốt ấy của nhân dân tham gia hiệu quả vào việc làm trong sạch và hiệu quả bộ máy? 
Nếu bản kê khai tài sản cá nhân, hồ sơ, năng lực của những người ứng cử vào vị trí quan trọng, được công khai trước dân, công khai trước tất cả những người liên quan, thì việc che giấu tì vết của người đó là cực kỳ khó. 
Nếu những dự án lớn, ảnh hưởng đến nhiều người, được đưa ra lấy ý kiến nhân dân – các nhà khoa học một cách thấu đáo, thì phần nhiều sẽ tránh được những thảm họa đầu tư và môi trường như Boxit, Formosa… 
Nếu các quan chức chịu vi hành thường xuyên để tiếp cận, lắng nghe tai mắt nhân dân, chắc chắn những bức xúc, bê bối sẽ giảm thiểu. 
Cơn bão dư luận từ vụ triệt hạ cây xanh ở Hà Nội, có thể thổi bay vị trí của một số quan chức. Nếu những nhà quản lý không mặc định trong đầu tư tưởng “Sao phải hỏi dân?”-như một quan chức đã thốt ra-thì một phần di sản xanh của Hà Nội đã không bị giết chết và nhiều chiếc ghế sẽ vẫn giữ được. 
Trong thời kỳ hoàng kim của mạng xã hội, tai mắt của nhân dân càng lợi hại. Rất nhiều vụ bê bối lớn được phanh phui xuất phát từ những nghi vấn, chứng cứ của dân. 
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Dân chủ là làm sao cho dân được mở miệng ra. 
Xã hội nào cũng vậy, khi mọi người dân được mở miệng, khi sự mở miệng đó được trân trọng lắng nghe, thì không tì vết nào, không sai phạm nào có thể được bảo kê bởi “một ông anh” vô hình vô ảnh nhưng lại đầy quyền lực như Mr. Đúng Quy Trình.

Việt Nam vẫn mắc kẹt tại ngã ba đường

Tác giả: Nguyễn Quang Dy 
KD: Tác giả Nguyễn Quang Dy vừa gửi cho mình bài viết này của ông. Xâu chuỗi hàng loạt vấn đề thời sự trong và ngoài nước, từ Formosa đến những biến chuyển đáng quan tâm của các quốc gia như Myanmar, Mông Cổ, để cuối cùng tìm về giải pháp cho Việt Nam, như câu kết luận: 
.Mọi thay đổi đều có quy luật và phải trả giá. Đổi mới thể chế tại Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Phải từ bỏ cực đoan và bạo lực. Không thể thay thế độc quyền này bằng độc quyền khác. Muốn thoát Trung và thoát khỏi ngã ba đường, phải ra khỏi cái hang ý thức hệ. Einstein đã từng nói, “không thể giải quyết vấn đề bằng chính tư duy đã tạo ra vấn đề đó”. 
Nguồn:xemanh.net 
“Có hai thứ vô hạn: vũ trụ và sự ngu xuẩn của con người…” (Two things are infinite: the universe and human stupidity – Albert Einstein) 
Hơn bảy thập kỷ sau khi lập quốc (1945) và hơn bốn thập kỷ sau cuộc chiến tranh Việt Nam (1975), đất nước vẫn đang mắc kẹt tại ngã ba đường. Tại sao lại có bi kịch này? Làm thế nào để thoát ra ra khỏi ngã ba đường của lịch sử? 
Trong nhiều thập kỷ, đất nước đã bị sa vào chiến tranh và bạo lực, cực đoan và hận thù, như cái bẫy ý thức hệ. Những thế lực cực đoan (trong và ngoài nước) đã thao túng số phận đất nước này, làm cho chính họ và ít nhất một thế hệ người Việt bị ngộ nhận, lạc vào ma trận (như chiến tranh Việt Nam). Muốn thoát ra khỏi ngã ba đường không dễ. Báo cáo “Việt Nam 2035” khuyến nghị phải đổi mới thể chế và cải cách vòng hai. 
Có nhiều việc phải làm, như cách thể chế và chống tham nhũng. Trong phạm vi bài viết này, hãy thử xem lại mấy điều cơ bản: Thứ nhất là đặc điểm bối cảnh hiện nay; Thứ hai là nguyên nhân và hệ quả; Thứ ba là các giải pháp khả thi. 
Đặc điểm bối cảnh hiện nay 
Cuộc tranh cãi hiện nay về giải pháp nào cho các vấn nạn quốc gia vẫn còn bế tắc. Đất nước có thể tiếp tục suy thoái và tụt hậu, nếu vẫn chưa cải cách được thể chế, vẫn chưa xử lý được nạn tham nhũng bị thao túng bởi các nhóm lợi ích. 
Sau bao thăng trầm, Việt Nam vẫn bị mắc kẹt tại ngã ba đường, bị các nhóm lợi ích tham nhũng bắt làm con tin, mà vẫn tưởng mình đang làm chủ. Đoàn tàu đất nước bị bắt cóc (hijacked), đang đi chệch đường ray, chạy loanh quanh trong thung lũng mù, mà vẫn tưởng đang chạy trên đường ray “kinh tế thị trường định hướng XHCN”. 
Nhiều người ngồi trong các toa tàu (cả chủ lẫn khách) vẫn tưởng an toàn và vô can, mà không biết rằng đoàn tàu đang lầm đường lạc lối. Một số người nhanh chân thu gom tài sản, nhảy khỏi đoàn tàu, hy vọng thoát thân tại một “thiên đường” nào đó. 
Một hệ quả đáng buồn là dòng người và dòng tiền đang lũ lượt ra đi. Theo UN DESA, từ năm 1990 đến 2015 đã có 2.558.678 người Việt di cư ra nước ngoài (trung bình mỗi năm gần 100 ngàn người). Theo World Bank (năm 2013), Việt Nam là một trong 10 quốc gia có nhiều người di cư nhất khu vực Đông Á-Thái Bình Dương. 
Trong mấy năm qua, đã có 92 tỷ USD được chuyển ngầm ra nước ngoài bằng nhiều cách, và có hàng trăm người Việt có tên trong Hồ sơ Panama và có tài khoản tại các “thiên đường trốn thuế” như Virgin Islands, Cayman và Malta… Đây không chỉ là hiện tượng tham nhũng, chảy máu chất xám và tài nguyên, mà còn là khủng hoảng lòng tin. 
Những vấn đề hậu chiến như hòa giải dân tộc, tái thiết đất nước, cải cách kinh tế và chính trị, vẫn còn ngổn ngang như mới bắt đầu. Những thành tựu đầy ấn tượng của hai thập kỷ cải cách kinh tế thị trường đã bị triệt tiêu bởi thiếu đổi mới chính trị. Các nhóm lợi ích dựa vào cơ chế thân hữu, tiếp tục thao túng thể chế “kinh tế thị trường định hướng XHCN” như một miếng mồi ngon, làm đất nước ngày càng kiệt quệ và tụt hậu. 
Không khỏi giật mình khi nhìn vào các chỉ số kinh tế cơ bản. Hàng trăm ngàn doanh nghiệp phá sản hoặc “chết lâm sàng”. Thâm hụt ngân sách tới mức báo động. Nợ xấu và nợ công chồng chất. Các khoản vay World Bank để ứng phó thay đổi khí hậu, phát triển đồng bằng Mekong, và nâng cao năng lực cạnh tranh, như muối bỏ bể. 
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến đầu năm 2016, dự trữ ngoại hối của Việt Nam chỉ còn khoảng 30 tỷ USD, đến tháng 6/2016 tăng lên 38 tỷ USD. Theo Bộ tài chính Mỹ, Việt Nam nắm giữ 12 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ (chiếm 1/3 dự trữ ngoại hối), do đó dự trữ tiền mặt chỉ có 26 tỷ USD. Năm 2015, Việt Nam phải trả nợ 20 tỷ USD và năm 2016 ít nhất là 12 tỷ USD (trả nợ nước ngoài chiếm 40%). Năm 2015, nhập siêu từ Trung Quốc là 30 tỷ USD (nhập chính thức) và 20 tỷ USD (nhập lậu). Nếu Trung Quốc muốn, họ có thể làm cho dự trữ ngoại hối của Việt Nam (30 tỷ USD) bốc hơi trong một ngày. 
Chỉ cần quan sát kỹ một chút là thấy bức tranh quốc gia đầy bất ổn, cả về sức khỏe kinh tế lẫn ổn định chính trị và chủ quyền quốc gia. Cách đây 26 năm, cựu ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã bức xúc thốt lên rằng một thời kỳ bắc thuộc mới bắt đầu. Những hệ quả của Thành Đô vẫn dai dẳng như một nghiệp chướng, chưa biết bao giờ thoát Trung. 
Mấy năm qua, tai họa môi trường xảy ra liên tiếp. Không phải chỉ do ông trời làm thay đổi khí hậu, mà còn do con người gây ra. Trong khi hạn hán và ngập mặn chưa từng có trong lịch sử tại đồng bằng Mekong đe dọa cuộc sống hàng triệu nông dân, vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu, thì thảm họa môi trường biển miền Trung do Formosa gây ra đã hủy diệt hải sản và môi sinh, đe dọa cuộc sống hàng vạn ngư dân và cộng đồng. Không phải chỉ có ngành hải sản và du lịch biển bị tê liệt, mà chủ quyền Biển Đông có nguy cơ bị mất. 
Tại sao ta lại từ chối đề nghị giúp đỡ của cộng đồng quốc tế (như Liên Hợp Quốc và Mỹ)? Tại sao phạt Formosa có 500 triệu USD để đền bù thiệt hại (và cho tồn tại)? Tại sao lại phải nhẹ tay “khoan hồng” đối với thủ phạm đã và đang gây ra thảm họa môi trường miền Trung? Trong khi lại nặng tay đàn áp người dân biểu tình ôn hòa đòi “biển sạch” và “minh bạch”? Và bưng bít thông tin bằng cách kiểm duyệt và đe nẹt báo chí? Tại sao Chính phủ và các cơ quan chức năng phải mất gần 3 tháng mới công bố nguyên nhân và thủ phạm gây ra thảm họa môi trường (trong khi hầu như ai cũng biết thủ phạm là Formosa)? 
Thật là nghịch lý nếu ta phải cầu cứu Trung Quốc giúp đỡ, khi đồng bằng sông Mekong bị hạn, (do họ xây quá nhiều đập thủy điện trên thượng nguồn) và khi máy bay Su 30MK và CASA 212 bị rơi liên tiếp ngoài khơi Biển Đông (một cách bí ẩn). Tại sao ta lại sợ Trung Quốc như vậy? Trong khi Philippines dám kiện (và đã thắng), nhiều nước ủng hộ phán quyết của PCA, thì Việt Nam vẫn giữ thái độ rất dè dặt, không dám kiện. 
Nguyên nhân và hệ quả 
Thứ nhất là nỗi sợ đi vào tiềm thức. Đó là nguyên nhân sâu xa gây chia rẽ, hận thù, nghi ngờ, dối trá, không thể hòa giải (như những chỉ số năng lượng tiêu cực). Người Việt vốn sợ Tây, sợ Tàu, sợ tất cả, nên căm thù và đánh tất. Nhưng khi phải quyết định lựa chọn kế thoát hiểm, thì lại sợ thay đổi thể chế, nên mắc kẹt tại ngã ba đường. Dân sợ và không tin chính quyền. Chính quyền sợ dân (coi dân như thù địch), vì sợ mất ghế, mất chế độ, mất độc quyền, nên phải bưng bít thông tin và trấn áp. Làm sao thoát khỏi nỗi sợ? 
Trung Quốc không đáng sợ như vậy, và họ đang suy yếu. Về đối ngoại Trung Quốc ngày càng bị cô lập, nhất là sau phán quyết của PCA về Biển Đông. Về đối nội, kinh tế xuống dốc, uy tín của Đảng cầm quyền suy giảm. Theo một báo cáo của Ủy ban Kỷ luật Trung ương (1/7/2016) chỉ có 2,2% đảng viên đạt tiêu chuẩn, và 90% bộ máy cầm quyền của Đảng phải cải tổ, vì “đã mục nát triệt để”. Các lãnh đạo cao nhất của Đảng (như Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn) đã công khai thừa nhận chế độ Cộng sản Trung Quốc đang đứng trước “nguy cơ vong Đảng” và đã đến “điểm giới hạn gần như sụp đổ” (theo Vương Kỳ Sơn). 
Thứ hai là tư tưởng cực đoan ẩn tàng trong cộng đồng, nhất là các quan tham muốn “làm giàu bằng mọi giá”, nên thường bỏ qua và quên mọi rủi ro tiềm ẩn (do vô minh). Tư tưởng cực đoan dẫn đến “hội chứng nhất” (cái gì cũng phải nhất). Ví dụ, Hà Tĩnh có dự án to nhất (Formosa), tốc độ duyệt dự án này cũng nhanh nhất, và có số cán bộ tham gia trung ương cũng đông nhất (16 người). Nay xảy ra thảm họa môi trường cũng lớn nhất. 
Có thể nói, đó là hệ quả của cực đoan và bè phái, là hai trở ngại lớn nhất đối với quá trình đổi mới và phát triển. Các nhóm lợi ích thân hữu (bán nước hại dân) có thể làm đất nước trệch khỏi đường ray phát triển, và tiếp tục mắc kẹt tại ngã ba đường. Phải chăng nhóm lợi ích thân hữu lũng đoạn Hà Tĩnh đã biến Formosa Vũng Áng thành một tô giới Tàu, hay “vương quốc nước ngoài trong lòng Hà Tĩnh” (GDVN, 26/7/2016). 
Thứ ba là khủng hoảng nhân cách (như đa nhân cách). Trong khi các quan lại (địa phương và trung ương) làm giàu bất minh và gây ra tai họa, thì họ luôn mồm “vì quê hương đất nước”. Khi đã mất nhân cách thì họ thường vô cảm, vô minh, và làm như “vô can” trước tai họa do họ gây ra. Vì vậy, ông Võ Kim Cự mới tỏ ra “thực sự bất ngờ…không lường được” và thản nhiên phán “phải kiên quyết xử lý đối với những vi phạm dù bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào” nhưng lại khẳng định “ký giấy chứng nhận đầu tư là đúng luật và đúng quy trình…” 
Điệp khúc “đúng quy trình” là một cách ngụy biện thô thiển đến phản cảm, mà những kẻ đạo đức giả và mất nhân cách hay sử dụng để qua mặt những ai nhẹ dạ cả tin. Làm “đúng quy trình” mà không cần biết quy trình đúng hay sai và hậu quả ra sao, là một trò lừa đảo mà những nhóm lợi ích (bán nước hại dân) hay dùng để thao túng luật lệ trong một thể chế bất minh có nhiều kẻ hở. Họ tìm đủ cách lý giải và đổ cho quy trình và kỹ thuật (chứ không phải do con người), đổ lỗi cho người khác (chứ không phải do mình). 
Vì vậy, sau khi xảy ra tai họa thì ông Cự làm như vô can, rồi lý giải như “lấy thúng úp voi” (lời ông Phạm Quyết Thắng, nguyên phó Tổng thanh tra Chính phủ). Ông Thắng bức xúc hỏi, “ông là người trình xin thủ tướng cho phép dự án có thời hạn 70 năm hay trình dự án 50 năm mà thủ tướng chữa lại thành 70 năm?… Tôi không loại trừ trong quá trình quan hệ đó có lý do nể nang, quen biết, cảm tình, và có cả vấn đề lợi ích cá nhân… Ông Cự chủ động, tích cực làm việc này, nhưng chắc chắn phải có người hậu thuẫn, bật đèn xanh cho ông ấy. ” 
Formosa: Phần nổi của tảng băng chìm 
Đại dự án Formosa như “con ngựa thành Troy” đã gây ra thảm họa môi trường và đẩy đất nước vào một cuộc khủng hoảng với những hệ quả khôn lường, liên quan đến phát triển kinh tế, ổn định chính trị và an ninh quốc phòng. Nó xẩy ra đúng lúc chuyển giao quyền lực giữa chính phủ cũ (đã “ăn không từ cái gì”) và chính phủ mới (còn “chưa ấm chỗ”), nên đối phó bị động và lúng túng như “gà mắc tóc” và “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. 
Hãy điểm lại mấy nét chính của câu chuyện Formosa, với những lỗ hổng lớn về quản lý nhà nước và giám sát an toàn môi trường. Không thể đổi mới thể chế, nếu không làm rõ và xử lý thích đáng vụ Formosa như một “case study” mà cả ba chỉ số cơ bản của mô hình cải cách đều thiếu hụt: (1) chống tham nhũng (corruption), (2) quản trị tốt (governance), (3) minh bạch & trách nhiệm giải trình (transparency & accountability). 
Điều phi lý nhất là sau khi để xảy ra một thảm họa môi trường lớn như vậy, và sau khi Formosa (nhà đầu tư) đã nhận tội, phía chủ nhà vẫn im lặng như vô can, vì làm “đúng quy trình”, mà không hề quan tâm quy trình đó đúng hay sai. Nếu ông Cự (nguyên Chủ tịch/Bí thư Hà Tĩnh) và những quan chức liên đới trong chính phủ cũ và các bộ ngành (TN&MT, KH&ĐT, KH&CN, NN&PTNT…) mà vô can, thì ai là bị can đây? 
Ông Cự đúng là người có “công đầu”, đưa đường chỉ lối cho Formosa vào đầu tư tại Vũng Áng và Sơn Dương (một vị trí chiến lược tại Miền Trung), nhưng không phải chỉ có một mình. Nếu ông Cự (và cộng sự) không biết Formosa nổi tiếng hủy diệt môi trường, và đằng sau Formosa là Trung Quốc, thì là vô minh. Ông Cự (và cộng sự) còn tìm mọi cách lách luật (hay phạm luật) để đáp ứng các yêu cầu tối đa của FHS (chủ đầu tư Đài Loan) và MCC (nhà thầu Trung Quốc). Đó là bất minh (chứ không phải “bất ngờ”). 
Ông Cự đầy tự tin và tự hào về “đứa con” Formosa sẽ “làm cho Hà Tĩnh và đất nước này thay đổi cơ bản… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Hà Tính và khu vực…đây là dự án chủ lực của Hà Tĩnh. Nếu đi vào hoạt động, dự án sẽ đem lại lợi ích rất lớn. Riêng tiền thu được từ thuế cũng lên đến hàng chục tỷ USD. Ngoài ra, còn tạo ra hàng ngàn việc làm cả trong và ngoài hàng rào nhà máy…Khi đi vào hoạt động, 12 huyện thị của Hà Tĩnh sẽ trở thành khu hậu cần cho dự án. Hơn nữa, dự án sẽ tạo ra cú hích để cấu trúc lại kinh tế cho nhiều thế hệ. Đây là cơ hội tốt để người dân Hà Tĩnh đổi đời” (Tiền Phong, 10/4/2014). 
Nay “cháy nhà ra mặt chuột”, ông Cự có muốn người dân Hà Tĩnh “đổi đời” bằng cách bỏ ngư trường Biển Đông (cho Trung quốc)? Sự vô minh và bất minh của ông Cự (và cộng sự) khác gì bán nước hại dân. Nhưng đến nay ông Cự vẫn khẳng định “tôi làm đúng, khi thẩm định dự án đều có ý kiến của 12 bộ nghành… sau đó báo cáo Chính phủ và được Chính phủ đồng ý…”. Theo báo Tuổi Trẻ, ngày 9/4/2008 ông Cự ký văn bản số 858/UBND-CN2 gửi Formosa nêu rõ thời hạn cho thuê đất là 70 năm. Tới ngày 8/5/2008, Hà Tĩnh mới có công văn gửi các bộ nghành xin ý kiến. Theo Thanh tra Chính phủ, ý kiến các bộ ngành không đề nghị Chính phủ cho phép thời hạn 70 năm, và tại thời điểm đó Chính phủ cũng chưa có ý kiến cho phép thời hạn trên 50 năm. Nếu đúng vậy thì ông Cự phạm tội nói dối, và đổ lỗi quanh. 
Trước khi FHS đầu tư vào Khu Kinh tế Vũng Áng làm nhà máy thép Formosa và cảng biển Sơn Dương, thì Tata Group, một tập đoàn lớn có kinh nghiệm sản xuất thép hơn 100 năm của Ấn Độ cũng quyết định đầu tư vào Vũng Áng. Nhưng vì ông Cự đã chọn FHS nên Tata đành bỏ cuộc. Trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong, ông Cự giải thích, “Đúng là Tata vào trước, đáng ra Tata phải được ưu tiên, nhưng do họ triển khai quá chậm nên Formosa đã chớp lấy cơ hội!”. Phải chăng Formosa nhanh chân hơn Tata, hay lại quả nhiều hơn, nên ông Cự cũng “chớp lấy cơ hội” bất chấp rủi ro tiềm ẩn về môi trường và an ninh? 
Không biết ông Cự vì quê hương đất nước hay vì “lợi ích cá nhân” (như lời ông Quyết Thắng), mà bất chấp luật lệ và dư luận xã hội, cho Formosa hưởng quá nhiều ưu đãi (như một tô giới). Buông lỏng quản lý và giám sát đã dẫn đến thảm họa môi trường (“đúng quy trình”). Đó là quy trình gì? Làm bậy “đúng quy trình” rồi đổ lỗi để chạy tội là một đặc thù văn hóa tham nhũng kiểu Việt Nam (tham nhũng “đi vào ổn định”). Đó là quy trình siêu tốc đối với một đại dự án, khi hai bên câu kết trở thành đồng minh về lợi ích, thao túng luật lệ. Nếu Formosa đã từng thao túng chính quyền Quốc Dân Đảng tại Đài Loan thì nay (với MCC) họ thừa sức thao túng những quan tham trong chính quyền Hà Tĩnh (và Hà Nội). 
Báo cáo đầu tư của Formosa lập trong 3 ngày (thật kỷ lục!). Quá trình thẩm định và phê duyệt dự án của UBND tỉnh làm trong 1 tháng. Ngày 9/4/2016, ông Cự (lúc đó là phó chủ tịch tỉnh) ký văn bản số 858/UBND-CN2 xác nhận ưu đãi đầu tư cho Formosa thuê đất 70 năm. Chỉ 2 tháng sau (12/6/2008) ông Cự đã ký giấy phép đầu tư, và chỉ 18 ngày sau (30/6/2008) bộ TN&MT đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (DTM). 
Theo nhà báo Lan Anh (VTC) người đã phỏng vấn ông Chu Xuân Phàm với câu nói nổi tiếng “chọn cá hay thép” (25/4/2016), chỉ 3 ngày sau (28/4) ông Phan Tấn Linh (giám đốc sở TTTT Hà Tĩnh) đã gửi công văn cho các cơ quan chức năng, đề nghị xử lý VTC vì đã phát nội dung cuộc phỏng vấn. Tại sao ông Linh lại mẫn cán gửi công văn bênh vực Formosa và chĩa mũi nhọn vào báo chí? (tuy báo chí làm đúng chức năng). Lý giải hành động mẫn cán của ông Linh, nhà báo Lan Anh gọi đó là hành động “cõng rắn cắn gà nhà”. 
Trong khi cá chết hàng loạt thì ông Đặng Ngọc Sơn (phó chủ tịch UBND) khuyên dân cứ ăn cá và tắm biển (như không có chuyện gì). Hôm đó chắc không phải là “ngày cá 1/4” và cá chết không phải là chuyện đùa. Còn ông Đặng Quốc Khánh (chủ tịch UBND) thì vẫn yên lặng một cách bí ẩn, chưa hề xuất hiện và lên tiếng (tuy 3 tháng đã trôi qua). 
Đến nay, một số nhà thầu phụ Hà Tĩnh vẫn đang tiếp tay cho Formosa gây ô nhiễm môi trường bằng cách bí mật di chuyển hàng ngàn tấn rác thải các loại đi chôn trộm tại nhiều nơi (như công viên, khu dân cư) tại Kỳ Anh, Hà tĩnh, và chở hàng trăm tấn chất thải nguy hiểm ra chôn trộm tại Phú Thọ. Nếu bị phát hiện thì họ đổ lỗi quanh, và cho người hành hung báo chí. Phải chăng vì đồng tiền nên họ “đâm lao phải theo lao”? Nhưng điều đáng nói là một số quan lại địa phương vẫn vô cảm và vô can trước thảm họa môi trường (mà họ là đồng phạm). Một quan nhỏ như Phan Duy Vĩnh (phó chủ tịch thị xã Kỳ Anh) mà cũng dám coi thường công chúng khi viết trên Facebook, “Biển nhiễm chất độc từ cái mồm của các bạn.” 
Tiến sỹ Tô Văn Trường (một chuyên gia về môi trường) cho biết ông “không khỏi giật mình vì sự tắc trách và trình độ chuyên môn của những người có trách nhiệm phía Việt Nam trong công tác kiểm tra, và giám sát môi trường…Khuyết điểm lớn nhất không phải là cấp giấy phép xả thải hay báo cáo ĐTM mà chính là lỗ hổng về công tác kiểm tra, giám sát về môi trường của Bộ TN&MT và Sở TN&MT Hà Tĩnh…Một số người phụ trách về môi trường chẳng những làm ngơ, mà còn nhận làm thuê, đổ chất thải của Formosa không đúng quy định… Chỉ có một nguyên nhân là họ tham tiền và đã bị Formosa móc ngoặc”. (BVN, 27/7/2016). 
Ông Trường còn đặt nghi vấn là ngoài chất độc đã được phát hiện là phenol, cyanua mà thủ phạm là Formosa, liệu còn chất độc nào khác chưa bị lôi ra ánh sáng? Một số người vẫn tin là phải có một lượng độc tố khác ngoài phenol và cyanua, được thải vào biển. Theo kỹ sư Nguyễn Minh Quang (Basam.info, 28/7/2016), kết quả phân tích mẫu cá chết của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt nam đã xác nhận cá chết vì ammonia. “Mọi bằng chứng khoa học về nguyên nhân cá chết hàng loạt tại miền Trung đều hướng về phía ammonia chứa trong nước thải xả từ nhà máy luyện than coke của Formosa”. 
ĐBQH Trần Quốc Khánh cho rằng, “Formosa là bài học cảnh tỉnh cho những ai có tư duy bất chấp tất cả để chạy theo lợi ích, kể cả lợi ích cá nhân và lợi ích địa phương… Cần phải xử lý nghiêm khắc những sai phạm tại Formosa, kể cả xử lý hình sự”. ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cũng nói, “Tôi ủng hộ quan điểm nên thành lập Ủy ban Lâm thời để xem xét, điều tra các vấn đề môi trường nổi cộm. Trước mắt là tập trung vào trường hợp Formosa… Đã đến lúc phải rà soát lại tất cả các quy trình để xem có đủ sức ngăn chặn được những tiêu cực của những người có trách nhiệm xây dựng cũng như là phê chuẩn những quy trình đó hay không”. 
Ông Vũ Quốc Hùng (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ) khẳng định. “lần này theo chỉ đạo của Trung ương, khi xem xét khuyết điểm của cán bộ thì không hề có bất cứ vùng cấm nào, bất luận người đó đương chức hay đã về hưu, ngay cả đương chức thì dù ở bất cứ chức vụ nào cũng phải bị xem xét… Về xử lý nội bộ, Đảng không phân biệt một ai, kể cả là đã về hưu nhiều năm nhưng nếu có liên quan đến những sai phạm trong thời kỳ công tác thì cũng không có chuyện “hạ cánh an toàn”. Chúng ta hãy chờ xem! 
Phải nhắc lại câu chuyện Formosa bởi vì đó là phần nổi của tảng băng chìm. Nó lý giải một phần tại sao Việt Nam vẫn đang mắc kẹt tại ngã ba đường. Ông Trịnh Xuân Thanh, ông Vũ Huy Hoàng, và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã “lên thớt” (theo chỉ đạo của TBT) trong chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” (kiểu Việt Nam). Trận “Núi Pháo” cũng đã mở màn. Nhưng chưa biết bao giờ đến lượt ông Võ Kim Cự (và cộng sự)? Đến nay ông Cự vẫn vô can, vẫn là đại biểu Quốc Hội và Chủ tịch Liên Minh Hợp Tác Xã. Việc ông Cự “lên thớt” hay hạ cánh an toàn là thước đo lập trường của Việt Nam đối với câu chuyện Formosa và Biển Đông (sau phán quyết của PCA), và đổi mới thể chế (như khuyến nghị trong báo cáo “Việt Nam 2035”). 
Miến Điện & Mông Cổ: Bài học chuyển đổi 
Trong mấy thập kỷ qua, nhiều nước đã chuyển đổi thể chế chính trị từ độc tài thành dân chủ. Trong đó, Miến Điện và Mông Cổ là hai bài học thành công, đáng để cho Việt Nam tham khảo và học hỏi. Tất nhiên, bối cảnh lịch sử mỗi nước một khác, với những đặc thù kinh tế, văn hóa, tôn giáo, sắc tộc cũng khác nhau, nhưng đây là hai câu chuyện chuyển đổi thành công bằng đường lối ôn hòa và không bạo lực. 
Trong khi Trung Quốc và Việt Nam đổi mới kinh tế khá thành công (với các mức độ khác nhau), nhưng không đổi mới chính trị, nên đất nước đang gặp rắc rối. Việc tham khảo các mô hình chuyển đổi như Miến Điện và Mông Cổ là cần thiết, để đổi mới thể chế, nhằm giải phóng và phát huy những tiềm năng của đất nước. 
Người ta đã nói nhiều về Miến Điện như một bài học chuyển đối mà Việt Nam cần tham khảo. Những người dẫn dắt quá trình chuyển đổi ôn hòa tại Miến Điện đã thành công vì họ đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích riêng. Ông Then Sein (cựu tổng thống) và bà Aung San Suu Kyu (lãnh tụ đảng NLD) đã thay đổi lịch sử Miến Điện bằng hòa giải dân tộc, chuyển đổi nền độc tài quân sự thành thể chế dân chủ. Nhưng họ mới đi được nửa đường. 
Nhiều người cho rằng Miến Điện đang có dấu hiệu bất ổn, vì bà Aung San Suu Kyi đã khẳng định “ở trên tổng thống” (trong vai trò “cố vấn nhà nước”). Người ta lo rằng hành động này làm xói mòn nền dân chủ mà chính bà chủ trương. Một số người lên án đảng NLD của bà đang lạc vào chủ nghĩa độc đoán. David Matieson (một chuyên gia về nhân quyền) nhận xét, “Văn hóa trong đảng rất không minh bạch và độc đoán…Nhiều đảng viên bị khoá miệng không được nói…Họ đang thật sự cố gắng để giữ kỉ luật đảng ở mức độ phi dân chủ.” 
Trong khi đó, những người khác cho rằng bà Suu Kyi cũng chỉ là con người, và là một chính khách. Để làm một chính khách khác với đoạt giải Nobel, và hoạt động dân chủ. Không nên nhầm lẫn. Trong một cuộc phỏng vấn với CNN, bà Suu Kyu nói, “Tôi đã là một chính khách từ lâu… Tôi khởi đầu làm chính trị không phải như một người bảo vệ nhân quyền, hay một nhà hoạt động nhân đạo, mà là lãnh tụ của một đảng chính trị. Nếu đó không phải là chính khách thì tôi không hiểu thế nào mới là chính khách”. 
Đây là những vật vã trong quá trình phát triển (growing pains), chứ không phải bế tắc tại ngã ba đường. Miến Điện đã thoát khỏi ngã ba đường và đang trên con đường dân chủ hóa và kiến tạo đất nước. Khó khăn, thử thách còn nhiều. Bà Suu Kyu không chỉ là một “ngọn đèn hi vọng” (như lời Tổng thống Obama), mà là một tổng thống (de facto). 
Bên cạnh bài học Miến Điện, bài học Mông Cổ cũng đáng suy nghẫm. Một nước nghèo, lạc hậu, dân số ít, bị kìm kẹp giữa hai nước láng giềng khồng lồ, đã trỗi dậy và chuyển đổi ngoạn mục. Trong suốt bảy thập kỷ, Mông Cổ chưa hề biết đến tự do và dân chủ, bị chìm đắm trong bóng đen của nền độc tài. Nhưng người Mông Cổ đã dứt khoát đoạn tuyệt với quá khứ, đồng hành với tự do dân chủ để tiến bước về phía tương lai của dân tộc. 
Tsakhiagiin Elbegdorj (sinh 1963), là lãnh tụ của phong trào dân chủ Mông Cổ, được ca ngợi như là Thomas Jefferson của Mông Cổ. Khi từ Moscow trở về nước (năm 1989), hành trang của anh sinh viên 26 tuổi này không phải là tài liệu sách vở về CNXH học được tại trường đảng Moscow mà là những thay đổi từ chính sách Glasnost của Gorbachev. (Theo Trần Trung Đạo, “Dân cần minh bạch”, Danlambao.vn, 21/5/2016). 
Elbegdorj tin rằng chỉ có dân chủ mới cứu được Mông Cổ. Trong bài phát biểu (28/11/1989), Elbegdorj đã nhấn mạnh, “Mông Cổ cần dân chủ và minh bạch…” Mông Cổ phải chuyển đổi từ độc tài sang dân chủ bằng một cuộc cách mạng bất bạo động. 
Cuộc biểu tình tuyệt thực đầu tiên ngày 10/12/1989 chỉ có 13 “tên phản động” (do Elbegdorj cầm đầu). Ngày nay người Mông Cổ gọi họ một cách kính trọng là “13 nhà dân chủ Mông Cổ đầu tiên”. Cuộc cách mạng dân chủ không làm rơi một giọt máu nào là do hầu hết 2.1 triệu dân Mông Cổ dứt khoát đoạn tuyệt với quá khứ, trong số đó có Tổng Bí Thư Đảng Công sản Jambyn Batmönkh. Năm 1998, khi cách mạng thành công, Elbegdorj được bầu làm Thủ Tướng, và năm 2009 ông được bầu làm Tổng thống Cộng Hòa Mông Cổ. 
Elbegdorj đã biến điều không thể thành có thể. Về đối nội, Mông Cổ từ bỏ chính sách “kinh tế kế hoạch hóa tập trung” theo mô hình Liên Xô cũ, và áp dụng chiến lược “hai chọn một”. Về đối ngoại, từ 1994, Mông Cổ theo phương châm “ngoại giao trong thế cân bằng về khoảng cách”. Từ cuối thập niên 1990, Mông Cổ thực hiện chính sách “láng giềng thứ ba”, và đến năm 2015, đề xuất ý tưởng “nước trung lập vĩnh viễn”. Mông Cổ đã từng bước phá thế kìm kẹp địa chính trị để tạo ra bước nhảy vọt, mở rộng không gian sinh tồn cho mình. 
Mông Cổ coi mối quan hệ cân bằng với Nga và Trung Quốc là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong chính sách ngoại giao của mình. Tháng 8/2014, tại Ulan Bator, Mông Cổ và Trung Quốc đã ra tuyên bố chung về “xây dựng và phát triển mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện”. Đồng thời, ngoài Nga và Trung Quốc, Mông Cổ đã phát triển quan hệ hợp tác với các nước lớn khác như Mỹ, Nhật và Đức theo chính sách “láng giềng thứ ba”. 
Vai trò của của Ulan Bator trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cũng như mở rộng đối thoại đa phương đã giúp Mông Cổ có vai trò quan trọng trên thế giới. Mông Cổ đã dần trở thành cầu nối giữa Triều Tiên và các nước Đông Bắc Á, và đã tận dụng ưu thế này để trở thành nước hòa giải giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Mông Cổ đã đề xuất sáng kiến “Đối thoại Ulan Bator” nay trở thành diễn đàn đa phương quan trọng, bên cạnh vòng đàm phán 6 bên do Bắc Kinh khởi xướng. Khi Đàm phán 6 bên bị đình trệ thì “Đối thoại Ulan Bator” là kênh đàm phán hiệu quả nhất giữa Bình Nhưỡng với thế giới. 
Nói tóm lại, Mông Cổ đã dũng cảm và khôn ngoan chuyển đổi thành công, mà vẫn giữ được độc lập chủ quyền, trong khi Việt Nam vẫn mắc kẹt tại ngã ba đường. 
Thay lời kết: Lối thoát nào cho Việt Nam 
Trong lịch sử gần đây, không có một chính thể độc tài nào (kể cả Miến Điện và Mông Cổ) lại tình nguyện từ bỏ độc quyền và độc tài, nếu không có đủ sức ép đòi đổi mới. Mọi chuyển đổi (dù ôn hòa và bất bạo động) đều phải từ dưới lên (bottom up), chứ không chỉ từ trên xuống (top down). Điều kiện thiết yếu là phải dứt khoát đoạn tuyệt với quá khứ, để đưa dân tộc tiến tới tự do dân chủ (như Miến Điện và Mông Cổ). 
Đặc điểm của những người không dám đoạn tuyệt với quá khứ là họ chỉ phê bình hiện tượng, nhưng tránh nhắc đến bản chất, chỉ nói đến hệ quả nhưng bỏ qua nguyên nhân, chỉ nói lên thực trạng xã hội mà không lý giải nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng đó. Có lẽ hầu hết là sản phẩm của ý thức hệ đã thấm dần và ăn sâu vào tiềm thức thành thói quen tư duy. Họ thường hoài nghi những thay đổi “không chính thống”, mà không hiểu rằng chế độ đã bị thao túng bởi các nhóm lợi ích bất minh như tư bản đỏ và xã hội đen. 
Bị ngộ độc bởi ý thức hệ cực đoan, lòng tin gần như vô thức của nhiều người quen lệ thuộc vào cơ chế xin cho và ban phát. Nay dù ủng hộ tự do dân chủ, nhưng tâm thức và thói quen tư duy của họ vẫn chưa thoát khỏi ám ảnh về cực đoan và bạo lực, là hệ quả của chiến tranh. Mọi thay đổi đều có quy luật và phải trả giá. Đổi mới thể chế tại Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Phải từ bỏ cực đoan và bạo lực. Không thể thay thế độc quyền này bằng độc quyền khác. Muốn thoát Trung và thoát khỏi ngã ba đường, phải ra khỏi cái hang ý thức hệ. Einstein đã từng nói, “không thể giải quyết vấn đề bằng chính tư duy đã tạo ra vấn đề đó”.

HÀ TĨNH MÌNH ƠI...

Xuân Ba 
(Bản đầy đủ do tác giả gửi trannhuong.com)
Hà Tĩnh mình ơi…
 Nếu đủ đầy cái thời chưa chia tách, tỉnh ca thương mến của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý phải là Nghệ Tĩnh mình ơi, Sông Lam gọi núi Hồng. Trong số bạn bè tếu táo có lắm đứa bạo mồm đặt lời nhép trêu nhau Nghệ Tĩnh mình ơi, ai xui dại cũng mần . Tôi dân Khu Tư nhưng không phải người Hà Tĩnh. Nhưng thuở hoa niên có lắm duyên gần Hà Tĩnh. Có mấy năm nằm giường sắt ở ký túc xã Mễ Trì cùng học chữ Hán với anh Ngô Đức Nguyên người Đức Thọ ( nay đã mất) Bập vô nghề báo lại có 5 năm độc thân nằm bàn cùng phòng cơ quan báo với Dương Xuân Nam quê ở Kỳ Anh sau là nhà thơ Dương Kỳ Anh nổi danh. Rồi xuýt nên cơm thành cháo với một O người Cẩm Xuyên nhưng đùng cái chả vô mô với mô. Về già lại là hàng xóm cùng dưỡng sinh chữa to bụng với nhà thơ cao niên người Đức Thọ Phan Cung Việt. Nói chi thì nói, Hà Tĩnh vẫn là nơi chốn đi về của đám dân viết chúng tôi một thuở một thời.
Đùng cái, thời Formosa.
Giờ giải lao, đứng chứng kiến cái cảnh đám báo chí dáo dác hỏi nhau bữa khai mạc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV và liền ba, bốn hôm như thế rằng có thấy ông Cự đâu không? Họ đang đi tìm, đi lùng bằng được cái ông Võ Kim Cự tác giả chính của thảm họa Formosa. Nhưng không hiểu ông Cự biến đâu mất? Đứng ở cửa phòng Diên Hồng ngó vào khu vực Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh gồm 7 vị chỉ thấy thấp thoáng ông Vương Đình Huệ đang trao đổi chi đó với ông Sơn ĐB hai khóa liền Giám đốc Sở TBXH. Bên cạnh là hai gương mặt ĐB sinh cùng sinh năm 1976, tiến sĩ kinh tế Quỳnh Thơ, Tiến sĩ Luật Lê Anh Tuấn. Còn một vị ĐB, một nhân vật quan trọng nữa, cũng tuổi Thìn 76, không thấy có mặt, sẽ nói đến sau…
Ông Cự đi đâu? Trốn báo chí? Chả biết nữa. Tâm trí tôi đang ngược về cái năm xa, Bí thư Trung ương Đoàn Hà Quang Dự dẫn sang báo Tiền Phong một người thấp đậm, mắt một mí, lanh lợi gặp TBT báo khi ấy là ông Dương Xuân Nam. Không biết cuộc gặp như thế nào nhưng tan cuộc, TBT hé cái tin là huyện đoàn Cẩm Xuyên của quê nhà Hà Tĩnh đương tính chuyện thành lập Xí nghiệp Thanh niên. Nhưng đang kẹt vốn muốn nhờ báo giúp cho vay ít tiền. Chuyện vay mượn thế nào chả rõ. Nhưng cũng thoáng nhớ cái người thấp đậm ấy là Bí thư huyện Đoàn Cẩm Xuyên Võ Kim Cự.
Năm tháng cứ như mây bay nước chảy. Anh cán bộ Đoàn Võ Kim Cự Trung đoàn phó rồi Chính ủy Trung đoàn TNXP xây dựng quê hương Phan Đình Giót ngày ấy dần dà chững chạc ở các chức danh vị trí những là TGĐ Công ty Liên doanh Austin Hà Tĩnh, phụ trách mỏ titan, Trưởng Ban quản lý khu Công nghiệp Vũng Áng rồi Phó, rồi chủ tịch Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh ra sao tôi không rõ và cũng chả quan tâm. Và số tiền mấy chục triệu vay để khởi nghiệp ngày ấy với cơ ngơi tư gia hoành tráng của ông không biết thật hư mà nhiều báo mạng đang đăng tải cùng tai tiengs thiệt hại nghiều ngàn tỷ vì Forrmosa! Rồi bây giờ cánh báo chí đang lùng ông Cự để phỏng vấn để hỏi cho ra ngọn ngành, cơn cớ ra làm sao mà cái thời từ năm 2008 với cương vị kép vừa là Trưởng ban quản lý Vũng Áng vừa là Phó chủ tịch tay trái trình, tay phải duyệt, ông đã nhanh chóng rước gọn, rước mau thảm họa Formosa và cấp phép cho thảm họa đó đứng chân những 70 năm tại một vị trí đắc địa yết hầu chiến lược của quốc gia vừa qua đã nhả độc tàn phá tan hoang hơn 200 km biển miền Trung đẩy hơn 300 ngàn hộ ngư dân điêu đứng?
Vẫn không gặp được ông Cự.
Ngày thứ ba vẫn giờ giải lao. Vẫn diễn lại cảnh tìm lùng ông Cự. A đây rồi. Một anh báo tuổi sồn sồn vốn thạo tin phẩy phẩy ra tờ giấy.
Không hiểu bằng cách nào mà ông bạn đồng nghiệp già lại có trong tay cái tờ trình mới toe số 07, ngày 23/7/2016 của UB Thường vụ Quốc hội khoá XIII về kết quả phê chuẩn số lượng và danh sách thành viên của UB Kinh tế QH. Tôi vội ngó ké. Không tin vào mắt mình, ông Võ Kim Cự, Chủ tịch LMHTX Việt Nam Ủy viên Đoàn chủ tịch UBTWMTTQVN đứng thứ 6 trong số 33 uỷ viên khác.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội na ná như một thứ hội đồng cơ mật quốc gia? Bởi đó là cơ quan giám sát kinh tế của Quốc hội, đồng thời có quyền căn chỉnh sửa đổi về các bộ Luật, Nghị quyết liên quan đến Kinh tế trước khi dự thảo trình Quốc hội. Lại nữa, Ủy ban này thường công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô hằng năm với nhiệm vụ và định hướng phát triển Kinh tế đất nước với định chế của Đảng và Nhà nước. Bây giờ, ông Cự được coi là người có nhiều “dấu ấn” liên quan đến dự án Formosa, công ty đã xả thải gây sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa từng có trong lịch sử Việt Nam lại có mặt Hội đồng cơ mật này?
Nhưng anh bạn đồng nghiệp đã hóa giải mau chóng những băn khoăn của chúng tôi bằng một khúc vui tếu táo rằng, khóa XIII ông Cự từng là Ủy viên Ủy Ban tài chính Ngân sách của QH nay trúng cử tiếp Khóa XIV lại trúng chân Ủy viên UB ngân sách tuy có vướng vào sự cố môi trường là trên có ý lo xa cả. Rằng mỗi khi bàn soạn hay thẩm định một dự án đầu tư nào quan trọng có liên quan đến môi trường cỡ như Formosa là người ta trân trọng giới thiệu ông Cự như một thứ ví dụ để những kiểu làm dự án bằng mọi giá bất chấp môi trường thì kịp tỉnh lại đi là vừa!? Vậy nên anh em mình phải gặp bằng được ông Cự để… chúc mừng!?
Không rõ bà Chủ tịch QH có động viên ông Cự can đảm gặp báo chí như hôm họp báo bà nói không? Nhưng sau đó ông Cự đã gặp…
Hóa ra mọi việc đều đơn giản như chất giọng bình thản của ông Cự, rằng ông làm đúng quy trình. Rằng có Formosa không phải một mình Hà Tĩnh quyết được! Rằng Thủ tướng đã đồng ý cấp phép 70 năm!
Ý ông Cự muốn đẩy quả bóng sang… Thủ tướng thời điểm ấy?
Thấy kẹt, báo chí đành tìm đến Thanh tra Chính phủ. Ông Khánh Phó Tổng thanh tra đã rành rẽ rằng. Phải sòng phẳng việc này. Thủ tướng đồng ý cho 70 năm là xử lý sau thanh tra tức là sai luật rồi nhưng để hoạt động của dự án bình ổn thì cho tiếp tục 70 năm chứ không phải Thủ tướng đồng ý từ trước.
Lại nữa, ông Cự trả lời báo chí rằng, 12 Bộ ngành đã từng thẩm định và cấp phép 70 năm là không đúng là lấp liếm.
Sảnh chính phòng Diên Hồng giờ giải lao, để ý đám ký giả đang bộc bạch với ĐB Trương Trọng Nghĩa ( Thành phố Hồ Chí Minh) rằng âm hưởng chủ đạo của ông Cự khi trả lời báo chí là đúng quy trình. Khá ấn tượng khi ĐB này thong thả như một hiền triết đại ý, quy trình là do con người đặt ra do con người xây dựng nên và do con người thông qua. Nếu là người tốt, có trách nhiệm cao thì dù quy trình chưa chặt chẽ thì người ta cũng sẽ bổ túc bổ sung, đề nghị hoàn thiện. Còn ngược lại, quy trình dù chặt chẽ người ta vẫn tìm cách để lách, bỏ qua.
Nếu như quy trình chưa hoàn thiện thì chúng ta bổ sung bổ túc bằng luật pháp, bằng những quy định của Chính phủ, của Đảng. Còn nếu quy trình chặt chẽ rồi thì phải xem lại công tác cán bộ. ví dụ người đó được giao gác cổng thì đêm anh lại mở cổng cho trộm vào.
Chao ôi, như thế thì chả phải như lời hát chế thuở nào ai xui dại cũng mần… nữa! Dại, chả phải dốt, mà như là chủ đích? Mà là ông Kim Cự như có chi đang cự cãi với tiền nhân của địa linh Hà Tĩnh?. Nhớ đến nhận xét của học giả Đặng Thai Mai về người xứ Nghệ Tĩnh Can đảm đến sơ suất, cần cù đến liều lĩnh, kiên quyết đến khô khan và tằn tiện đến “cá gỗ” Nhưng chưa khi nào dối trá, quanh co? Đất ấy đã bầu nên những La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp mà Quang Trung mới đến 3 lần mới ra tay giúp nước. Đã nẩy nòi ra tài năng, tiết tháo Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Đình Phùng, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Khắc Viện vv… Thời mới, hàm thượng thư, năm chưa ra riêng huyện Hương Sơn có đến 4 cụ ủy viên Bộ chính trị. Đất Hà Tĩnh luôn liền mạch với niềm tự hào chính đáng. Người Hà Tĩnh được Quốc hội khóa XIV này bầu, phê chuẩn cho bộ máy Nhà nước có đến 5 thành viên chính phủ.
… Trở lại nhân vật quan trọng cũng tuổi Thìn sinh năm 1976 của Đoàn Hà Tĩnh. Nhân vật quan trọng là Đặng Quốc Khánh cùng quê cụ Nguyễn Du, Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Chủ tịch Hà Tĩnh được coi là trẻ nhất nước. Quốc Khánh có học vị Tiến sỹ chuyên ngành Quản lý đô thị. Trước khi được bầu làm Chủ tịch tỉnh, Quốc Khánh từng giữ các chức vụ Phó giám đốc, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Tĩnh, Bí thư huyện ủy Nghi Xuân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Phó Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh... Khó mà tìm thấy cái dáng dấp tất tả của ông cụ thân sinh trong dáng mau mắn pha chút đĩnh đạc chính khách của Đặng Quốc Khánh. Được ông Nguyễn Kỳ Cẩm một cán bộ cựu trào Nghệ Tĩnh giới thiệu, tôi gặp ông cụ thân sinh Khánh, ông Đặng Duy Báu đâu như đầu những năm 80 đang là cán bộ tổ chức huyện Tương Dương của Nghệ Tĩnh. Tương Dương khi đó diệu vợi gian nan và đói kém. Cán bộ như ông Báu là của hiếm của phong trào. Không hiểu bằng cách nào mà ông Báu thân với Phay Đang một thủ lĩnh huyền thoại người Lào. Phay Đang là lãnh tụ người Mông uy thế không kém chi Vàng Pao từng góp tiếng nói đắc lực cho khối đoàn kết các dân tộc Việt Lào cả một vùng biên giới mênh mông khi ấy. Sau này chia tách tỉnh, ông Báu là Bí thư Hà Tĩnh.
Có thể con trai ông Báu là người được đào tạo bài bản. Và mỗi thời cha có việc cha, con có việc của con. Mỗi người ghé việc nước theo cách của mình? Có người cho số điện thoại, tôi bấm cho ông tân Chủ tịch nhiều lần nhưng chắc thấy máy lạ, không bắt máy? Cũng phải thôi, tôi biết khó, nói chính xác hơn là không có được thông tin gì ở vị tân chủ tịch này về việc biết hay không biết hành xử cũng như quy trình mời Formosa về đất Kỳ Anh Hà Tĩnh của người tiền nhiệm Võ Kim Cự? Cũng chả phải là trẻ người non dạ. Đã chả là tứ thập nhi bất hoặc đó thôi? Tôi mang máng biết cái lứa như Quốc Khánh, không chính khách thì là doanh nhân, dường như họ có thứ tố chất gì đó để ứng, phó không phải để chường mặt mà vượt qua những sức ép, áp lực này khác kể cả áp lực công luận? Nhưng gì thì gì, cái bước đầu tiên mà Hà Tĩnh gánh hậu của Formosa trong đó việc Sở Tài nguyên Môi trường, cơ quan thuế, Ban quản lý khu kinh tế... có tên trong kế hoạch đang làm việc với cơ quan điều tra để làm rõ trách nhiệm khi cấp phép, giám sát xả thải tại Formosa phải có sự điều hành can dự của vị tân Chủ tịch này? .
Cũng chưa hẳn đã cũ đã xưa câu một người làm quan cả họ được nhờ. Huống hồ Hà Tĩnh đang có nhiều chục yếu nhân cũ, mới đang trăn trở với thảm họa Formosa, đang sốt mến với một Hà Tĩnh thương khó gian nan thời Formosa. Rồi lâu thì vài chục năm mau thì ít hơn, kiểu gì cũng phải lành lại, liền lại những lở loét 250 cột số biển miền Trung với sự chung lo chăm bẵm xúm tay của cả nước cùng cú hích của những yếu nhân Hà Tĩnh đang thành thực làm cái sự đầu tàu?
Ảnh: Trần Nhương gặp gỡ người dân xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh nơi Formosa xây dựng 

SỐNG CHUNG VỚI "VỠ"

Trần Ngọc Sơn 

Sau lần vỡ thứ 18, không ai dám bảo đảm rằng ống nước sông Đà sẽ không còn vỡ nữa. Cảm thương cho số phận mình, ống nước sông Đà đã giãi bày “gan ruột” mình với phóng viên.
Chào ống nước sông Đà, xin được chia sẻ với nỗi đau lần thứ 18 của bạn.
Vâng, cảm ơn anh, tôi cũng vừa mới được các kĩ sư và công nhân “bó bột” xong.
Mỗi lần “bó bột” của bạn tốn kém bao nhiêu?
Cũng khoảng gần một tỷ đồng anh ạ!
Vậy là nguyên tiền “bó bột” từ trước đến nay cho bạn cũng “ngốn” mất gần 18 tỷ đồng, tốn kém nhỉ?
Tốn kém đã đành, nhưng quan trọng hơn là việc tôi liên tục bị “vỡ xương” phải “bó bột” đã làm cho 17.000 hộ dân ở Hà Nội bị ngừng cấp 1,5 triệu m3 nước trong thời gian 343 giờ.
Bạn nhớ các số liệu cũng chi tiết quá nhỉ?
Tôi có thói quen ghi lại nhật ký các lần “vỡ xương” của mình. Hiện “Nhật ký vỡ xương” của tôi đã bắt đầu viết sang quyển thứ 2 dày dặn hơn.
Xin bạn cho biết tuổi thực của mình?
Tôi đưa gia công, đúc cốt từ năm 2004 đến năm 2009 tôi chính thức chào đời nên năm nay tôi mới được 7 tuổi.
Vậy là trung bình mỗi năm bạn dính “vỡ xương” đến hơn 2,5 lần?
Thực ra từ tháng 2 năm 2012 đến tháng 9 năm 2015, tôi đã bị “vỡ xương” đến 14 lần, còn khoảng gần 1 năm nay tôi đã bị “vỡ xương” đến 4 lần rồi.
Vì sao “xương” bạn lại giòn và dễ vỡ thế?
Vì họ làm “xương” tôi bằng sợi thủy tinh mà anh!
Sao?Bằng sợi thủy tinh, sao?
Đúng vậy có gì lạ đâu anh, cái nước mình nó thế, thủy điện Sông Tranh 2 được người ta bịt giẻ vào vết nứt, đường phố Hà Nội được người ta trồng gỗ mỡ thay vàng tâm,...đều đúng quy trình tuốt, có sao đâu anh!
Vậy mà, tôi nghe nói, ngày 15 tháng 7 vừa qua, có 9 ông chú bác họ của bạn đã bị đề nghị truy tố vì chuyện “vỡ xương” của bạn, có đúng không?
Đúng vậy, báo chí đã đưa tin rồi, anh lên mạng mà xem.
Vậy, “cha đẻ” và các chú bác ruột của bạn, những người quyết định cho thay đổi vật liệu làm “xương” của bạn nên dẫn đến hậu quả ngày hôm nay, thì sao?
À, theo cơ quan chức năng thì họ có dấu hiệu vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng nhưng họ có thân nhân tốt, sức khỏe yếu, không có động cơ vụ lợi, lại khai báo thành khẩn nên không cần thiết phải xử lí hình sự với các hành vi vi phạm pháp luật của họ.
Nghĩa là họ vẫn “nơi ấy bình yên”?
Đúng vậy, họ vẫn bình yên, chúng ta nên chúc mừng cho họ.
Vậy, bạn có suy nghĩ gì về tương lai của mình?
Tôi đã xác định mình giống như người bị ung thư xương, chỉ có thay xương mới khỏi chứ không còn hy vọng gì nữa.
Bạn có chắc rằng mình sẽ được thay “xương”?
Anh tưởng thay xương mà dễ à, nhiều vấn đề phức tạp lắm, anh thử đi hỏi mấy người bị ung thư xương xem mấy ai có đủ điều kiện đó, có mà bán nhà đi không đủ tiền thay.
Tức là bạn phải “sống chung với vỡ”?
Cái đó thì chắc chắn đến 99% vì “Hà Nội không vội được đâu”, anh ạ! Hơn nữa, tôi cũng quen rồi, vì mới có 10 tháng nay mà tôi đã phải “bó bột” đến 4 lần, chỉ thương bà con Thủ đô, tới đây tần suất “mất nước” sẽ tăng lên gấp bội.
Xin chia sẻ nỗi niềm với bạn và mong bạn hãy bảo trọng.
Cám ơn anh.

29 tháng 7, 2016

Thiếu tướng Lê Kiên Trung: “Tôi không bao giờ né tránh khi nói về cha mình”

Tác giả: Tô Lan Hương (thực hiện)
KD: Cô bạn đồng nghiệp trẻ và xinh đẹp gửi cho mình bài viết này. Xin đăng lên để bạn đọc chia sẻ 
———— 
Là Thiếu tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an, nên khi nhận lời trò chuyện với Chuyên đề An ninh thế giới Giữa tháng – Cuối tháng về Tổng Bí thư Lê Duẩn nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của ông, tôi đã nghĩ Tướng Lê Kiên Trung khó mà thẳng thắn, sòng phẳng với những câu hỏi mà tôi sẽ hỏi anh. Nhưng sau buổi trò chuyện 2 tiếng đồng hồ, tôi biết mình đã vội vàng khi dự đoán thế! 
Cha tôi quyết đoán, nhưng không bất chấp
– Nhà báo Tô Lan Hương: Thưa Thiếu tướng Lê Kiên Trung, khác với nhiều người thân trong gia đình mình, anh hầu như chưa từng xuất hiện trên báo chí và chia sẻ những câu chuyện về Tổng bí thư (TBT) Lê Duẩn? 
– Thiếu tướng Lê Kiên Trung: Thực ra tôi đã từng viết một bài trên Báo An ninh thế giới nhiều năm trước với những câu chuyện của tôi về cha. Nhưng đặc thù công việc khiến tôi không phải lúc nào cũng thấy mình nên xuất hiện trên mặt báo để chia sẻ những suy nghĩ trong lòng. 
– Thế thì, khi nhận lời trò chuyện với Chuyên đề ANTG Giữa tháng – Cuối tháng chúng tôi, với cương vị mà anh đang nắm giữ, anh có ngại ngần nếu tôi hỏi anh những câu hỏi mà bao năm qua, nhiều người vẫn cho là nhạy cảm, về TBT Lê Duẩn? 
– Bạn hãy cho tôi một lý do để một người con phải ngại ngần, né tránh khi nói về cha mình?! Đặc biệt, một con người của dân tộc, của nhân dân, hết đời cống hiến hy sinh vì sự nghiệp của đất nước. 
– Vậy thì, tôi muốn bắt đầu với một điều giản dị. Có phải khi còn bé, anh là người con được gần gũi với TBT Lê Duẩn và được ông thương yêu, cưng chiều nhiều nhất? Ký ức của anh về người cha chính khách có gì khác với ký ức của những đứa con bình thường? 
– Ký ức bao trùm trong tôi về ba có lẽ là ký ức về tình thương. Nói là ba thương tôi hơn những anh chị em khác cũng không hẳn là đúng. Tôi không dám nói ba tôi dành cho tôi nhiều tình thương nhất, nhưng tôi may mắn là đứa con được gần ba nhiều nhất so với các anh chị trong nhà. 
Thật ra ba tôi đi hoạt động cách mạng từ sớm, thời gian ông gần gũi gia đình, con cái gần như không có. Các anh chị tôi, từ lúc đẻ ra cho đến khi trưởng thành, hầu hết đều chỉ được gặp ba khi ông ghé thăm nhà. Tôi may mắn sinh ra khi ba tôi đã ra Hà Nội, trong bối cảnh miền Bắc đã được hưởng hoà bình. 
Mẹ tôi khi đó đang học ở Trung Quốc, tôi lại là con út trong nhà, nên ba tôi, với tâm trạng của một người cha “gà trống nuôi con”, thương tôi phải xa mẹ, đã luôn dành cho tôi tình yêu thương đặc biệt. 
Dù là TBT và phải đảm đương trách nhiệm lớn lao với việc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhưng ông đã luôn để tôi là “cái đuôi” của ông trong suốt nhiều năm trời. Tôi ăn cùng ba, quanh quẩn bên ông khi ông làm việc và tôi ngủ cùng giường với ông cho đến tận khi học lớp 7, lớp 8. 
– Điều đặc biệt nhất mà anh cảm nhận ở ba mình? 
– Cũng là tình thương! Nhiều người nghĩ với vị trí người lãnh đạo đất nước, ba tôi là người lạnh lùng, cứng rắn, nhưng thực ra, ông vô cùng tình cảm với người xung quanh. 
Không chỉ là tình cảm của người cha dành cho con, tình cảm của người chồng dành cho vợ, mà còn là tình cảm giữa người với người. Ba tôi coi những người giúp việc cho ông như người thân trong nhà. Ông cũng là người mà nếu đi ra đường, gặp một người nghèo, sẽ dễ dàng rơi nước mắt. Nhiều người đi làm cách mạng bắt đầu từ lý tưởng, từ lý trí, nhưng ba tôi đi làm cách mạng bắt đầu từ tình thương. 
Khi còn nhỏ, có lần bà nội tôi nói với ba tôi: “Đến bao giờ nhà mình mới có một nồi khoai như nồi khoai nhà bên cạnh?”. 
Ông kể ông đã khóc khi nghe câu nói ấy, dù khi đó ông chỉ là một đứa trẻ nhỏ đang ngồi trong lòng mẹ. Ông thương xót cái ao ước nhỏ bé đến tội nghiệp của bà nội tôi bao nhiêu thì ông thấy căm giận chế độ đã tạo ra cả một dân tộc nghèo khổ, với một lớp người mà ước mơ của họ chỉ là một nồi khoai để ăn bấy nhiêu. Và vì muốn thay đổi điều đó, ông đã đi làm cách mạng. 
– Anh nói, TBT Lê Duẩn đi làm cách mạng từ tình thương, nhưng trong một giai đoạn lịch sử dài sau này, khi nhắc về TBT Lê Duẩn, người ta vẫn cho rằng ông rất độc đoán trên cương vị của mình khi ông còn nắm quyền? 
– Tôi vẫn luôn biết có những người nhìn ba tôi theo cách đó. Nhưng, như những gì tôi đã được chứng kiến về cha mình, thì cảm nhận của tôi hoàn toàn khác. Năm 1954, sau Hiệp định Geneve, ba tôi đưa mẹ tôi lên tàu ra miền Bắc, còn ông thì bí mật ở lại miền Nam. 
Trước lúc chia tay, ông nói với bà: “Anh thương vợ con anh như thế nào, thì anh cũng thương đồng bào, đồng chí của mình như thế, cho nên anh phải ở lại, cùng với đồng bào đồng chí miền Nam chiến đấu để giành độc lập thực sự”. 
Và nếu không phải vì Bác Hồ đã kiên quyết yêu cầu ba tôi ra miền Bắc năm 1957 để nhận nhiệm vụ mới, có lẽ ba tôi sẽ vẫn ở lại miền Nam, dù có lẽ ông hiểu, khi Trung ương gọi ông ra miền Bắc, có nghĩa là ông sẽ được tin cậy giao những vai trò quan trọng hơn trong bộ máy lãnh đạo đất nước. Một con người độc đoán, sẽ khó có tình cảm như thế với đồng bào, đồng chí. 
Một điều nữa, trong cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài 20 năm mà mỗi gia đình ở cả phía bên này và phía bên kia đều phải gánh chịu nỗi đau mất mát, cộng thêm với sự khác biệt về ý thức hệ, thì sự thù hận là khó tránh khỏi. 
Trong nhiều cuộc chiến tranh, phe thắng cuộc đã có sự trả thù với những kẻ thất bại. Nhưng sau khi giải phóng xong, Đảng ta mà người đứng đầu là ba tôi đã đưa ra mệnh lệnh: Bằng bất cứ giá nào cũng không được động chạm đến những người thuộc chính quyền cũ. Và, thay vì một cuộc tắm máu như báo chí nước ngoài đã dự đoán trước giải phóng, những người thuộc chính quyền cũ chỉ bị đưa đi cải tạo, giáo dục… 
Tôi nghĩ ba tôi là người quyết đoán. Nhưng sự quyết đoán của ông nằm trong chừng mực của một người làm chính trị có cân nhắc trước sau, chứ không phải bất chấp. 
Ông vẫn nói, làm chính trị là phải biết chờ đợi. Vì có những việc dù mình nghĩ đúng, nhưng mình vẫn phải chờ đợi sự đồng lòng từ những người xung quanh. Chính từ những việc đó, mà sau này, đã có những người hiểu không đúng hoặc đánh giá không chính xác về phương pháp và cách làm của ông. 
Nhiều người phê phán cha tôi vì việc duy trì nền kinh tế bao cấp quá lâu. Nhưng ngay sau khi giải phóng xong, khi mà nhiều người trong chúng ta vẫn còn coi Mỹ là kẻ thù, ba tôi đã giao cho Bộ trưởng Ngoại giao khi đó là ông Nguyễn Cơ Thạch sang thăm Mỹ, bằng mọi giá thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ. 
Ba tôi đã muốn giữ nguyên nền kinh tế thị trường ở miền Nam, song song với nền kinh tế bao cấp ở miền Bắc, vì chính ông cũng muốn so sánh ưu điểm và nhược điểm của hai nền kinh tế đó. Vì ba tôi và các đồng chí của mình khi đó đều được giáo dục và trưởng thành trong hệ thống lý luận về XHCN theo mô hình Xôviết của Stalin. 
Nhưng ông cảm nhận được, nền kinh tế thị trường có những ưu điểm của nó, và ông muốn có cơ hội để so sánh giữa hai mô hình đó, để tìm được con đường tốt nhất cho đất nước. 
Dù chuyện này chưa bao giờ được ông công khai trong các nghị quyết của Bộ Chính trị, nhưng trong chỉ đạo của ba tôi và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng với ông Nguyễn Cơ Thạch trước chuyến thăm Mỹ sau giải phóng, tôi biết rằng đã có nội dung đó. Tiếc là cuộc đàm phán đó đã không thành công. Vì khi đó, nhiều người bên phía chúng ta vẫn còn coi Mỹ là kẻ thù, và bản thân người Mỹ cũng có suy nghĩ ngược lại. 
Với họ, việc một nước lớn như Mỹ thất bại trong cuộc chiến với một dân tộc nhỏ bé như Việt Nam đã làm tổn thương nặng nề lòng tự tôn của họ. Không thể dễ dàng để hai nước có thể ngay lập tức nối lại quan hệ ngoại giao, bình thường hoá quan hệ. Thậm chí, sau đó Mỹ còn cấm vận Việt Nam nhiều năm liền. Nên cuối cùng, chuyến đi của ông Nguyễn Cơ Thạch đã thất bại. 
– Cứ cho là chuyến đi đó thất bại, thì tôi nghĩ, vẫn có nhiều cách để duy trì và phát triển mô hình kinh tế thị trường ở miền Nam song song với mô hình bao cấp ở miền Bắc, nhưng như chúng ta đã biết, ngày đó, nền kinh tế bao cấp đã được nhân rộng ở cả hai miền. Tại sao ba ông không làm điều đó? 
– Bối cảnh lịch sử lúc đó có lẽ đã khiến ba tôi không dễ thực hiện khát vọng và mục đích của mình. Khi mà Mỹ từ chối quan hệ ngoại giao với Việt Nam, và bản thân những nhà lãnh đạo trong nước thời đó đều tin theo hệ thống xã hội chủ nghĩa mô hình Xôviết của Stalin, thì việc đưa ra một ý tưởng như thế là trái với lý tưởng của nhiều người. 
Tôi vẫn nhớ hồi đó, khi Nam Tư đưa ra khái niệm kinh tế thị trường, họ đã bị khai trừ ra khỏi hệ thống các nước XHCN và bị xem như một nước xét lại. Cho nên, không thể dễ dàng bày tỏ quan điểm của mình và thuyết phục những người khác cùng đồng lòng với quan điểm đó, nhất là trong một giai đoạn nhạy cảm như đất nước ta khi đó. 
Mà anh chỉ có thể thực hiện nó âm thầm ở chỗ này, chỗ kia, cho đến lúc lý thuyết của anh chứng minh được là nó có sức sống, là nó thuyết phục, là thành công, thì đến lúc đó, anh mới có thể quay lại thuyết phục những người khác. Vì ba tôi hiểu nếu ngay lập tức thay đổi có thể sẽ khiến sự chia rẽ trong Đảng. Và hơn lúc nào hết, trong điều kiện đất nước lúc đó Đảng ta càng cần phải coi trọng sự đồng lòng, thống nhất. 
– Bây giờ là thời điểm TBT Lê Duẩn đã mất được 30 năm. Vài ngày trước, trong ngày giỗ lần thứ 30 của TBT, tôi có đến gia đình ông và nhìn thấy có những lẵng hoa gửi đến từ các Ủy viên Bộ Chính trị và một số đồng chí lãnh đạo Đảng Nhà nước đã đến dâng hương tại số 6 Hoàng Diệu, ngôi nhà TBT Lê Duẩn sống lúc sinh thời. Vài năm trở lại đây, báo chí đã nhắc lại về vai trò của ông Lê Duẩn trong giai đoạn ông làm lãnh đạo. Nhưng có một thời kỳ dài, người ta ít nhắc đến TBT Lê Duẩn. Anh có biết tại sao? 
– Bạn hỏi không đúng chỗ rồi. Và cũng không hẳn như vậy! Nhưng tôi nghĩ thế này, chúng ta không thể không thừa nhận, trong Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn luôn tồn tại những sự khác biệt về tư tưởng. Ví dụ như quan điểm cải cách ruộng đất, quan điểm về chiến tranh cách mạng miền Nam, quan điểm về thống nhất đất nước, quan điểm về việc áp dụng mô hình kinh tế bao cấp hay thị trường, quan điểm về đường lối ngoại giao… 
Cho nên việc có người này hay người khác ủng hộ hay không ủng hộ, đồng tình hay không đồng tình với đường lối của cha tôi khi ông còn nắm quyền có lẽ cũng là chuyện bình thường. 
Ba tôi kể, ngay thời kỳ chiến tranh giải phóng miền Nam, có những người trong chúng ta sợ Mỹ, có những người thân với Liên Xô, có những người thân với Trung Quốc. Thế nên có nhiều chuyện, Bộ Chính trị vừa họp xong, nước này nước kia đã tìm cách can thiệp. Nhiều người không muốn chúng ta giải phóng miền Nam đâu. Nhưng Đảng ta và ba tôi quyết tâm làm việc đó đến cùng. 
Một trong những điều buồn nhất của ba tôi trong cuộc đời làm cách mạng của ông chính là Hiệp định Geneve. Ông từng kể ông đã khóc rất nhiều khi đồng bào miền Nam đổ ra đường, chia tay con em mình ra miền Bắc, họ giơ hai ngón tay, hẹn hai năm sau Tổng tuyển cử, hẹn hai năm sau gặp lại. 
Nhưng ba tôi hiểu, sẽ không bao giờ là hai năm, sẽ không bao giờ có Tổng Tuyển cử… Và việc rút toàn bộ lực lượng vũ trang ra miền Bắc sẽ tạo điều kiện cho chính quyền Ngô Đình Diệm củng cố sức mạnh ở miền Nam, điều đó đồng nghĩa với việc rồi đây miền Nam sẽ còn đổ máu. Mà điều ba tôi đau xót chính là, chúng ta có khả năng giải phóng miền Nam, nhưng đã phải chấp nhận ký vào Hiệp định Geneve một cách đầy thiệt thòi vì sự tính toán của các nước lớn. 
Cho nên khi cử ông Lê Đức Thọ đi đàm phán ở Paris, Bộ Chính trị và ba tôi giao cho ông Lê Đức Thọ toàn quyền quyết định, nhưng với điều kiện: “Anh đàm phán cái gì thì đàm phán, nhưng có hai vấn đề không bao giờ phải bàn: quân đội miền Bắc ở lại miền Nam và Mỹ rút quân ra khỏi Việt Nam”. Nghĩa là ba tôi và Đảng ta cho ông Lê Đức Thọ được quyền chủ động trên bàn đàm phán, nhưng có những điều ông không bao giờ nhân nhượng. 
Chúng ta không được phép sợ Trung Quốc 
– Tôi từng nghe kể TBT Lê Duẩn đã báo cáo với Bác Hồ: “Chúng ta muốn thắng Mỹ thì nhất định không được sợ Mỹ, nhất định không sợ Trung Quốc, nhất định không được sợ Liên Xô…”? Anh có nghĩ ba mình là người cứng rắn, khi ông không bao giờ sợ các nước lớn? 
– Ba tôi không sợ Mỹ, vì ông hiểu Việt Nam có thể thắng Mỹ. Còn chuyện không sợ Trung Quốc là một câu chuyện dài. 
Ba tôi là người yêu thích lịch sử. Ông đọc đi đọc lại những câu chuyện về lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Và vì thế, ông biết, trong những cuộc chiến tranh kéo dài suốt mấy nghìn năm đất nước tồn tại, ngoài hai lần chống Pháp và Mỹ, lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam là lịch sử chống quân xâm lược từ phương Bắc kéo xuống. 
Và dù trong thời gian ngắn hay dài, thì cuối cùng, chúng ta cũng đều đánh đuổi được giặc ngoại xâm phương Bắc. Dân tộc này trong lịch sử chưa từng sợ phương Bắc, và tôi nghĩ ba tôi thấm nhuần truyền thống ấy. 
Từ khi còn rất sớm, ba tôi đã nhận ra, dù họ viện trợ cho chúng ta rất nhiều, dù tiếng là hai nước Cộng sản anh em, thì họ vẫn mang những ý đồ không khác gì những triều đại trước đây. 
Ngay cả trong các cuộc gặp với ba tôi, một lãnh đạo của bạn đã nói: “Các đồng chí, tôi muốn nói cho các đồng chí biết điều này. Các đồng chí không cần làm cách mạng, tôi là chủ tịch của 500 triệu nông dân đang thiếu đất, và tôi sẽ mang một đạo quân tiến xuống khu vực Đông Nam Á”. 
Khi nghe câu nói đó ba tôi đã cảm nhận ra ngay ý đồ của họ và dặn lòng mình luôn phải cảnh giác với dã tâm ấy. Ba tôi từng viết về một cuộc đối thoại giữa ông và một lãnh đạo của họ (xin phép không nói rõ tên của nhà lãnh đạo đó – xin đổi là ông ta – PV) như thế này: 
“Ông ta hỏi tôi: Ở Lào, có bao nhiêu cây số vuông đất? 
Tôi (Lê Duẩn) trả lời: Khoảng 200.000 cây số vuông. 
Ông ta hỏi: Dân số của họ bao nhiêu? 
Tôi trả lời: Khoảng 3 triệu! 
Ông ta nói: Như vậy là không nhiều! Tôi sẽ đưa dân tôi đến đó, thật mà! 
Ông ta hỏi: Có bao nhiêu cây số vuông đất ở Thái Lan? 
Tôi trả lời: Khoảng 500.000 cây số vuông. 
Ông ta hỏi: Có bao nhiêu người? 
Tôi trả lời: Khoảng 40 triệu! 
Ông ta nói: Một tỉnh của nước tôi có 500.000 cây số vuông, nhưng có tới 90 triệu người. Tôi cũng sẽ đưa một số người dân của tôi tới Thái Lan! 
Đối với Việt Nam, họ không dám nói về việc đưa người tới theo cách này. Tuy nhiên, ông ta nói với tôi: “Đồng chí, có đúng là người của các đồng chí đã chiến đấu và đánh bại quân Nguyên?”. Tôi nói: “Đúng”. Ông ta hỏi: “Có phải cũng chính người của đồng chí đã đánh bại quân Thanh?”. Tôi nói: “Đúng”. Ông ta nói: “Và quân Minh nữa, phải không?”. Tôi nói: “Đúng, và cả các ông nữa. Nếu các ông tìm cách xâm lược đất nước tôi. Các ông có biết điều đó không?…”. 
Vì nhận thức được ý đồ của họ, cũng như các tiền nhân, nên trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đảng ta và ba tôi cũng giữ tinh thần cảnh giác, ngay cả khi họ là nước viện trợ rất lớn cho chúng ta trong kháng chiến chống Mỹ. 
Có lần, họ đề nghị viện trợ cho chúng ta 500 xe tải chi viện cho tuyến đường Trường Sơn, với điều kiện họ sẽ cử lái xe đi kèm. 500 xe hồi đó là vô cùng quý giá với Việt Nam. Nhưng chúng ta đã kiên quyết từ chối. 
Khi đó có đồng chí lãnh đạo đề nghị ba tôi “nhận vài chiếc cho người ta vui”, nhưng ba tôi và lãnh đạo không đồng ý. Ba tôi cũng báo cáo với Bác Hồ: “Chúng ta muốn thắng Mỹ, thì không được sợ Mỹ, nhưng nhất định cũng không được sợ Trung Quốc”. Câu nói ấy của ông hẳn đã đến tai người Trung Quốc… 
Ảnh trong bài: Alannguyen Đức. 
– Hầu hết những nhà nghiên cứu lịch sử đều nhận định, TBT Lê Duẩn là nhà lãnh đạo Việt Nam có đường lối cứng rắn nhất với phương Bắc. Anh có đồng ý với ý kiến của nhiều người, khi họ cho rằng sự cứng rắn của ông Lê Duẩn là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến tranh Biên giới phía bắc? 
– Ba tôi cứng rắn với họ thì đúng. Nhưng những người nói ông là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến tranh Biên giới năm 1979 có lẽ là không hiểu lịch sử. Suốt thời phong kiến của chúng ta, họ đã vì ghét ông vua nào mà đem quân xâm lược mảnh đất này? Không vì cha tôi, họ vẫn tìm cách chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, rồi bây giờ là âm mưu chiếm toàn bộ biển Đông. Họ chẳng ghét ai cả. 
Chỉ có một lý do duy nhất, ý đồ xâm lược của họ là không bao giờ thay đổi. Ba tôi, mang trong mình bản năng của người Việt suốt chiều dài lịch sử: không cần biết họ mạnh thế nào, nhưng anh cứ xâm phạm biên giới chúng tôi là chúng tôi đánh. 
Còn nói về sự cứng rắn với họ, ba tôi có lẽ không thể so với cụ Lý Thường Kiệt. Bậc tiền nhân ấy đã chủ động đánh phương Bắc ngay khi họ lộ ý đồ sang xâm chiếm nước Việt. Trừ những kẻ bán nước, còn thì, đã là người Việt Nam, nếu thực sự yêu dân tộc này, nếu thực sự yêu đất nước này, sẽ đều hành động như thế, bất kể kẻ thù có mạnh và dã tâm đến đâu. 
Ba tôi, như bao người Việt yêu nước bằng cả trái tim mình, đã luôn hiểu rằng, họ là mối đe dọa truyền kiếp, là dân tộc mà trong bất cứ hoàn cảnh lịch sử nào, bất cứ triều đại nào, chế độ nào, cũng không từ bỏ ý đồ xâm chiếm Việt Nam. Lịch sử xâm lược của họ là lịch sử mở rộng lãnh thổ về phương Nam. 
Và, cho đến tận ngày hôm nay, với những yêu sách về chủ quyền ở biển Đông, về đường lưỡi bò, vẫn có thể chứng minh một điều, những nhận định của chúng ta về dã tâm của họ chưa bao giờ sai lầm. Khi còn nắm quyền, ba tôi vẫn cố gắng giữ một mối quan hệ ngoại giao mềm mỏng với họ. 
Năm 1961, khi Bác Hồ cử ba tôi đi dự Hội nghị Quốc tế Cộng sản vào thời điểm quan hệ giữa Trung Quốc và Liên Xô đang căng thẳng. Khi đó, Trung Quốc rất đơn độc, vì các nước khác đều ủng hộ Liên Xô. Chỉ có duy nhất đoàn Việt Nam do ba tôi dẫn đầu là có ý kiến ủng hộ Trung Quốc. Nhưng Đảng ta do ông đứng đầu không bao giờ cho phép ai có hành động xâm phạm chủ quyền đất nước này. 
– Đến nay đã 30 năm rồi sau ngày mất của TBT Lê Duẩn, anh có nghĩ, sự cứng rắn của cha anh là một trong những lý do mà sau này ông ít được nhắc đến? 
– Tôi nghĩ ba tôi là nhà lãnh đạo đất nước trong một giai đoạn lịch sử phức tạp và cam go của đất nước. Với nhiều ý kiến xung đột lẫn nhau. Thế nên, như tôi đã nói ban đầu, việc chấp nhận ông hay một bộ phận không chấp nhận quan điểm của ông, ủng hộ ông hay không ủng hộ ông cũng là điều tất yếu. Ba tôi không chịu nói, chịu kể về mình giống như một số người khác. 
Có những người có cả chục cuốn hồi ký, nhưng ông thì khác, ông không hề viết một cuốn sách nào kể về mình. Ông không bao giờ chịu giải thích để người ta hiểu hơn về những việc ông làm. Vì thế đến giờ, nhiều người chưa thực sự hiểu ba tôi như ông vốn có. 
Nhưng tôi tin, cuối cùng thì những sự thật lịch sử sẽ được sáng tỏ đến tận cùng, và người ta sẽ hiểu hơn về ông và những việc ông làm. Tôi vẫn nghĩ ba tôi là người thiệt thòi. Tất nhiên làm cách mạng thì phải chịu thiệt thòi. 
Chúng ta ghi nhớ công ơn của các liệt sĩ, của các bà mẹ Việt Nam anh hùng đã hi sinh hạnh phúc riêng của mình vì đất nước. Nhưng ba tôi, người lãnh đạo có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công của cuộc chiến ấy, đã ít được nhắc đến suốt một thời gian. Đó là điều mà lịch sử đã không công bằng với ông. Song tôi tin điều đó đang và sẽ được nhìn nhận công bằng hơn. 
– Và cảm giác của anh – một người con, như thế nào trong suốt giai đoạn ấy, giai đoạn mà tên tuổi ông ít được nhắc đến như thế? 
– Dĩ nhiên là tôi buồn. Không chỉ buồn cho cá nhân tôi, gia đình tôi. Vì tôi cho rằng đã có những việc, câu chuyện của ba tôi đã không được đề cập chính xác, đầy đủ, khoa học. Tôi cũng rất buồn và mãi trăn trở một điều, tại sao có những sự thật mà sau bao nhiêu năm chúng ta vẫn nhất định phải giấu kín? Và tôi cho rằng, đó không phải là cách hành xử khách quan, minh bạch và khoa học. 
– Nói thế thì hẳn là anh khao khát đến một ngày, tất cả tư liệu về cuộc đời của TBT Lê Duẩn, về những quan điểm cũng như quyết định của ông trong những thời điểm lịch sử và cả những đánh giá về vai trò của ông trong giai đoạn ông nắm quyền sẽ được công bố? 
– Đó chính xác là mong ước lớn nhất của tôi và những người thân trong gia đình suốt nhiều năm qua. Cha tôi và nhiều nhà lãnh đạo đất nước thời kỳ đó đã mất mấy chục năm trời. Và tôi không hiểu lý do vì sao, có những điều đến giờ này chúng ta vẫn cần giữ bí mật. 
Nhưng tôi nghĩ, những người làm công tác nghiên cứu, những người làm báo như chị, phải được tiếp xúc với những sự thật đó, để có cái nhìn chính xác và đầy đủ nhất về lịch sử. Và nhân dân cũng có quyền được biết, những nhà lãnh đạo của họ đã làm gì, đã ứng xử thế nào, trong những thời khắc lịch sử của đất nước. 
– Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Một cơ quan trí thức “xôi thịt”?

Tác giả: Trực Ngôn 
KD: Xưa nay các Hội .. vốn đã hữu danh vô thực. Nay đọc bài này về Liên hiệp các Hội KH và KT VN, càng thấy cái tính chất hữu danh vô thực, và cả sự vô dụng nữa. Thấy buồn làm sao. 
Trừ những nhà khoa học thật, làm việc thật, tự lúc nào các nhà KHVN chấp nhận số phận “giá áo túi cơm” đến độ như thế này? Bỗng nhớ đến hiện tượng các nhà sáng chế chân đất sang xứ người cống hiến. 
Dù vậy, khi đăng lên, chủ Blog đã biên tập một số từ ngữ cho phù hợp tinh thần Blog. Và sẵn sàng đăng những bài viết phản biện, tranh cãi về chủ đề này, một cách có tinh thần trách nhiệm và văn hóa. 
———– 
Đó chính là Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN). Nghe cái tên thì rõ là sang, chức năng của nó cũng sang không kém, đó là làm nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Theo Chỉ thị 42/CT của Ban chấp hành Trung ương Đảng (ngày 10/4/2010), thì LHHVN được Nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động như các đoàn thể chính trị khác. Kinh phí cấp cho tổ chức này không nhỏ, như năm 2012 vừa rồi được Nhà nước phân bổ gần 26 tỷ đồng cho cái gọi là “chi cho sự nghiệp khoa học và công nghệ” (quyết định phân bổ ngân sách số 2879/QĐ-BTC). Vậy nhưng họ đã làm được gì để đóng góp cho sự nghiệp KHCN nước nhà? 
Trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam 
Hẳn chúng ta còn nhớ trong năm 2012 sự kiện thủy điện Sông Tranh gây ồn ào dư luận. Rất nhiều nhà khoa học, nhà báo cũng như nhân dân nói chung mong muốn LHHVN với tư cách là tiếng nói đại diện cho trí thức lên tiếng kiến nghị với Nhà nước, tổ chức các cuộc Hội thảo khoa học, phân tích rõ sự nguy hại của thủy điện Sông Tranh và tìm biện pháp khắc phục. Nhưng LHHVN “mũ ni che tai”, im lặng, không dây vì sợ đụng chạm, hay vì dốt không biết gì mà nói?
Còn rất nhiều những ví dụ khác như hiện tượng xe máy cháy bất thường khi đang lưu thông hay hiện tượng sụt lún các “hố tử thần” trên quốc lộ… LHHVN cũng không tập hợp các nhà khoa học để nghiên cứu, phân tích nguyên nhân để có câu trả lời cho xã hội. Mang tiếng là cơ quan trí thức hàng đầu của đất nước mà việc lớn việc bé gì (dính đến khoa học chứ có phải việc tào lao đâu), cũng “I don’t know” như thế thì thật không còn gì để nói về năng lực của họ. 
Cả năm 2013 hầu như LHHVN không có hoạt động gì đáng kể, chức năng chính là tư vấn phản biện và giám định xã hội, vậy nhưng họ không có hoạt động nào thuộc về chức năng này cả. Trong những báo cáo của LHHVN nhắc đi nhắc lại việc đã làm từ hàng chục năm trước như phản biện cho Thủy điện Sơn La, hoặc phản biện cho việc xử lý dịch cúm gia cầm (từ hồi GS.VS Vũ Tuyên Hoàng – nguyên Chủ tịch LHHVN còn sống, tức là từ trước năm 2008). Đến nỗi có vị đại diện cho một hội khoa học kỹ thuật là thành viên thuộc LHHVN còn phải góp ý rằng: Hội chúng tôi một năm làm hàng chục cuộc phản biện, hội thảo khoa học, LHHVN ít hoạt động quá thì ghép phần việc mà các hội đã làm vào báo cáo chung cho phong phú mà báo cáo lên cấp trên, vì các hội cũng là thành viên trong gia đình LHHVN cả. Vị này còn nói vui, “con làm thì bố cứ tính công bố cũng được”. 
Vậy số tiền 26 tỷ hàng năm LHHVN tiêu gì cho hết? Ngoài việc “vẽ” ra những cuộc hội nghị hội thảo vô bổ để chi tiêu vô tội vạ. Chẳng hạn tổ chức Hội nghị của Ủy ban Kiểm tra LHHVN, họ dẫn nhau xuống tận Cửa Lò, “nghị” thì ít mà “hội” thì nhiều, vì chủ yếu lấy cớ đi chơi, nghỉ mát, tắm biển. Hội nghị làm hết 01 ngày thì lấy hóa đơn 03 ngày để thanh toán tiền Nhà nước. Rồi thì tổ chức những cuộc giao ban 03 miền, đại biểu được cấp tiền ăn ở khách sạn, đi lại, lưu trú, công tác phí… nhậu nhẹt chúc tụng nhau tơi bời. Đặc biệt là chi cho lãnh đạo LHHVN đi công tác toàn bằng máy bay, mỗi năm tiền vé máy bay với công tác phí của ông Đặng Vũ Minh – Chủ tịch LHHVN lên tới 2-3 trăm triệu đồng. 
Vấn đề là những chuyến đi công tác này hoàn toàn vô bổ, không có giá trị gì, ông Minh chỉ đi trao giải thưởng các cuộc thi nọ kia, với đi dự Đại hội các LHH địa phương, đi “úy lạo” các nhà khoa học già, v.v… Số tiền còn lại, họ đem “ban lộc” cho một số Hội KHKT thành viên để tổ chức hội nghị hội thảo của các hội này và chia cho các tổ chức khoa học công nghệ trực thuộc LHHVN để làm đề tài. Nhưng tệ hại ở chỗ, tiền Nhà nước, vậy mà họ xem như tiền của họ, bắt các đơn vị phải nộp lại 5% để cho vào quỹ đen LHHVN tự ý chi tiêu. Cũng có nhiều đơn vị thành viên có đề tài nghiêm túc, có giá trị, nhưng nếu không nộp lại 5% tiền đề tài thì họ không cho giải ngân, không cấp tiền. 
Nhiều đơn vị lợi dụng điều này, vẽ ra nhiều đề tài vô bổ, thậm chí trộm đạo những đề tài đã có từ trước để rút tiền Nhà nước. Dịp cuối năm này thì LHHVN từ lãnh đạo đến nhân viên đều nhăm nhăm nghĩ cách làm thế nào để tiêu hết tiền được Nhà nước cấp, vì nếu không hết thì sang năm sẽ bị cắt bớt. 
Có một chuyện đau lòng mà chúng tôi chứng kiến: Một hôm có nhà khoa học nọ là giám đốc một trung tâm KHCN trực thuộc LHHVN đến xin thanh toán tiền đề tài. Đây là một đề tài nghiêm túc, có giá trị, làm thật, do đó các khoản chi phí thật đã hết, ông phải bỏ tiền túi ra ứng trước cho cộng tác viên để thực hiện đề tài. Nay ông đề nghị thanh toán, thì được trả lời là do chưa nộp phí 5% nên chưa được thanh toán, thế là ông lại phải bỏ tiền túi ra trả cái phí 5% vô lý kia. 
Ông Đặng Vũ Minh, chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam 
Thường trực Đoàn Chủ tịch LHHVN hiện nay có 4 người, gồm 1 Chủ tịch và 3 Phó Chủ tịch. Trong 4 người này thì 3 ông đã về hưu, vậy nhưng họ mặc dù đã hưởng lương hưu rồi, nhưng vẫn đòi hưởng nguyên mức lương trước khi nghỉ hưu do LHHVN trả (mỗi người tới cả chục triệu), lại còn được tính thêm cả phụ cấp trách nhiệm, tính bằng mức phụ cấp của Bộ trưởng và Thứ trưởng. Không chỉ có thế, 4 ông này mỗi ông một ô tô riêng, một lái xe riêng, được cơ quan cấp điện thoại di động và tiền gọi điện thoại hàng tháng (tính đúng bằng tiêu chuẩn của Bộ trưởng, Thứ trưởng). 
Sướng như thế nên mới có chuyện một ông Phó Chủ tịch trong một cuộc họp bị một ông Trưởng ban cũng thuộc LHHVN (ông Trưởng ban này sắp đến tuổi nghỉ hưu nên coi giời bằng vung) mắng cho là dốt nát, không xứng đáng ở cương vị này, nếu có liêm sỷ thì từ chức đi. Ông Phó Chủ tịch nọ “cố đấm ăn xôi” không nói gì, ngồi im chịu trận để giữ ghế. 
Một cơ quan trí thức nghe sang trọng mà mục ruỗng, thối nát như thế, mới biết đạo đức xã hội đã xuống cấp quá thể. Trí thức ngày xưa sẵn sàng từ quan để về ở ẩn, nay nhiều kẻ bất tài vô tướng được giữ ngôi cao bị tố cáo vẫn cố tình chạy chọt giữ ghế. 
Viết ra những lời này, chúng tôi không có ý phủ nhận vai trò của LHHVN. Dưới thời những lãnh đạo có tâm, có tầm như GS.VS Vũ Tuyên Hoàng – Chủ tịch; PGS.TS Hồ Uy Liêm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, LHHVN đã hoạt động sôi nổi, có nhiều phản biện gây được tiếng vang trong xã hội, đóng góp vào sự phát triển đất nước. Thế mới biết khi quyền lực rơi vào tay kẻ thất phu sẽ gây hậu quả nguy hại đến thế nào.

Loạt bài về sự lừa đảo của VTV và PV Lê Bình

Tác giả: Theo FB Mạc Văn Trang
KD: Vụ việc này ồn ào trên các trang mạng XH từ nhiều ngày nay. Lúc đầu mình né tránh, vì quả thật, các bạn VTV cũng là nhà báo (hình). Nhưng có vẻ như ngày càng ồn ào, vì vụ việc này ngày càng vỡ ra một sự thật khác khó chấp nhận trong nghề. 
Sự thật đó là gì? Nếu FB của Luật sư Luân Lê là nói thật, thì đó là sự dối trá nguy hiểm. 
Sự thật đó còn là nhận thức của nhà báo về một cuộc chiến khá mơ hồ, vậy mà lại tốn tiền bạc đi vào cuộc chiến với tất cả sự thiếu chuyên nghiệp của hoạt động nghiệp vụ ở đất nước đang có chiến tranh. 
Chính mình khi đọc, cũng không hiểu nổi, các bạn đi vào cuộc chiến này với mục đích gì? Quảng bá cái gì? 
Trong nghề báo, đừng nghĩ là văn hay chữ tốt, hay ăn mặc đẹp đã có thể “thuyết phục” được bạn đọc, nếu thật sự không có cái tâm, không có trí tuệ. Ở vụ việc này, cái tâm hình như chưa thấy mà cái trí cũng ở dạng “vô minh” như ngôn từ hay dùng của cựu chuyên gia ngoại giao Nguyễn Quang Dy. 
.Xin đưa một loạt ý kiến về vụ việc này để bạn đọc chia sẻ 

DỐI TRÁ 
FB Luân Lê 
——— 
VTV đã lấy tiền thuế của dân và đưa cô Lê Bình sang tận Syria để làm một bộ phim tài liệu với tên gọi: Ký sự Syria, Góc nhìn từ phía trong cuộc chiến. 
Thật không may, đến nay người ta đã tìm ra được một bộ phim tài liệu được thực hiện từ tháng 08/2014 bởi các phóng viên người Nga, và điều đặc biệt là nó giống gần như tất tần tật các nội dung, phân đoạn, hoạt cảnh, lời dẫn với ký sự mà cô Lê Bình đã ba lần hút chết mới dựng lên được. 
Khi sự dối trá đã trở thành một thói quen và là sự thật hiển nhiên trong lòng một xã hội, người ta sẽ không còn niềm tin vào bất kể thứ gì người ta nhìn thấy hay nghe được nữa. 
Lấy tiền thuế của dân, mà rồi đưa cho một con người sang Syria làm những thứ mà chính cô ta còn “không biết nó (tức cuộc chiến đó) thực sự là gì”. 
Và thật trớ trêu, là người ta phải lắc đầu ngán ngẩm, khi nhìn cái cảnh cô ta mang theo túi xách, nữ trang, đeo kính râm, đội nón và mặc áo sáng màu, quần bò đứng khóc rưng rức giữa nơi mà cô ta đặt tên là “chiến trường khốc liệt” một cách thản nhiên không run sợ. 
Xuý Vân giả dại cũng không bao giờ đỉnh cao bằng diễn xuất của những phóng viên với tâm hồn nhân loại rộng mở nhưng không bao giờ nhỏ một giọt nước mắt nào cho đồng bào là những người dân khốn khổ đang phải giành giật sự sống từng ngày “trong những cuộc chiến thực sự khốc liệt đang diễn ra trong lòng đất nước của chính mình”.

Dân trí giờ cao lắm, chớ có đùa!
FB Hằng Thanh
————
Định không nói gì về ký sự “Syria: Góc nhìn từ phía trong cuộc chiến” của nhóm Lê Bình, nhưng sau cuộc họp báo hôm nay về bộ phim, thấy không thể không nói băn khoăn của mình.
1. Ngay hôm nghe quảng cáo rầm rộ là ekip bỏ cuộc phỏng vấn Tổng thống Bashar al-Assad để đi làm phóng sự này, mình đã bảo với con trai: Hẹn làm việc với Tổng thống đâu có dễ mà nói bỏ như chuyện trẻ ranh ý!
Hôm nay, trước câu hỏi của PV về việc Lê Bình bịa chuyện này, cô trả lời không thuyết phục.
2. Trong phim, Lê Bình thì thào rằng quân địch ở cách 20m và rằng, phải tách nhóm ra vì sợ địch nghe thấy tiếng bước chân, nhưng nghe rõ trong phim tiếng giày của các em gõ thình thịch Chắc lính IS bị điếc nên cách 20m không nghe thấy tiếng giày gõ như đầm nền nhà thế, nhất là khi cả 2 đều trong lòng đất?
Cả nhóm đi vào cái đường hầm ấy để làm gì, mà khi gặp địch lại quay lại? Định tả đường hầm thì VN có địa đạo Củ Chi cũng hoành lắm nha!
Trong hầm, lúc có tiếng súng nổ, Lê Bình kêu lên CỐ TỎ ra sợ hãi, 2 binh sĩ ĐỨNG XEM cạnh đấy nhìn cô cười
Cảnh trên đường giữa 2 dãy nhà đổ nát, mấy em phóng viên cúi người chạy (chả biết tránh cái gì) trong khi 2 binh sĩ dẫn đường đi trước rất bình thản và quay lại nhìn hơi ngạc nhiên. Cúi người “tránh” trong khi áo, mũ trắng lốp -là mầu dễ lộ nên thời chiến thường không dùng!
Trong phim Lê Bình cho biết đã “đối diện với cái chết” tại thành phố Homs, nhưng họp báo, cô cho biết “Homs là nơi an toàn vì chỉ có một phần chiến sự ở phía bên kia thôi. Nơi chúng tôi đến hiện đang an toàn và vì thế nên chính phủ mới dẫn chúng tôi đến.”
Nghĩa là, sự nguy hiểm và “thoát chết” chỉ là chém gió!
Cũng không thấy hình ảnh quân địch để có cảm giác chiến sự một tẹo nhể!
3. Cảnh đổ nát vì chiến tranh thì thế hệ bọn mình chả thấy có gì lạ. Hà Nội, đặc biệt là Khâm Thiên, tháng 12.1972 còn tan nát hơn thế nhiều!
Với bọn già đã lớn lên trong chiến tranh và đã xem các bộ phim về chiến tranh từ lúc còn “truổng cởi” như mình, thì nói thật là phim diễn quá mức qui định mà diễn xuất lại kém, nên không thuyết phục.
Làm phim chiến tranh kiểu này, các cụ vốn là phóng viên điện ảnh quân đội thời chiến cười cho đấy. Vì họ trải nghiệm thật, nên hơi thở chiến tranh trong từng mi li met phim, chứ không phải là làm phim du ngoạn xong tự gọi là phim chiến tranh dư lày.
4. Một vấn đề rất lớn của bộ phim là quan điểm chính trị. Chính Lê Bình cho biết “thực sự là không biết nên nghe theo hướng nào vì bên nào cũng có cái lý của họ”. Thế mà cũng đi làm phim? Vì thế, phim không làm rõ được ai chính, ai tà, nên người xem thấy rất mơ hồ.
Vậy thì không thể không đặt ra câu hỏi: Ai đã tài trợ cho nhóm Lê Bình đến đây để làm phim này và nhằm mục đích gì? Xem ký sự, lại nhớ đến Duy Nghĩa -PV của VTV thường trú ở Nga- từng sang Syria mấy lần và thấy đều đề cao vai trò của Nga trong cuộc chiến ở đây.
Đặc biệt, như bác Tống Phước Trị phát hiện, nhóm Lê Bình đi “có tới 2 ông tướng Syri tháp tùng”, buộc mình phải nhớ đến năm trước, PV Duy Nghĩa mặc quần áo của lính Nga, đi cùng lính Nga vào vùng chiến sự Nga – Ukraina để “phản ánh” và hình ảnh đó đã bị cả người Ukraina lẫn VN phản ứng trên mạng xã hội.
Có gì “lan quyên” giữa 2 nhóm phóng viên của VTV ở 2 vụ đều liên quan đến chiến tranh và đều liên quan đến Nga không nhỉ?
Thiết nghĩ, làm báo, càng liên quan đến vấn đề chính trị, càng phải rành mạch, không thể lập lờ “nhân danh” cái gì được chứ nhỉ!

Dân trí giờ cao lắm, chớ có đùa!
____
Phụ nữ News
Nhà báo Lê Bình và VTV đã ‘qua mặt’ khán giả truyền hình như thế nào?
Tác giả: Trương Nguyễn Thạch
———–
Sau khi nhà báo Lê Bình cùng các cộng sự thực hiện ký sự Syria phát sóng trên chương trình VTV24, cử nhân luật Trương Nguyễn Thạch phân tích trên báo Giao thông chỉ ra 3 điểm sai sự thật.
Ký sự Syria: Góc nhìn từ phía trong cuộc chiến là bộ phim tài liệu phát sóng trong khung giờ VTV Đặc biệt của Đài Truyền hình Việt Nam, do ê-kíp phim của Trung tâm Tin tức VTV24 gồm nhà báo Lê Bình, quay phim Ngọc Phức và hai phóng viên Vân Anh, Phương My thực hiện. Phóng sự được phát vào tối 23/7 đã thu hút sự chú ý, tranh cãi của cộng đồng, có nhiều ý kiến trái chiều.
“Chiến tranh là sự kế tục của chính trị bằng phương tiện bạo lực. Đó là một chân lý mà đáng lẽ ra bất cứ người nào nghiên cứu và phân tích về một cuộc chiến cần phải biết và bắt buộc phải biết. Có hai loại chiến tranh, một là chiến tranh phi nghĩa, đối nghịch lại đó là chiến tranh chính nghĩa.
Tổng thống Al – Assad đã rất nhiều lần khẳng định với thế giới rằng người Syria đang chiến đấu chống khủng bố chứ không phải là đất nước của họ đang đánh nhau. Họ chiến đấu để chống lại những tội ác ghê tởm của IS và của lực lượng đứng đằng sau giật dây. Nói theo ngôn ngữ quân sự, người Syria đang chiến đấu chống cuộc xâm lược thông qua bàn tay của người khác.
Nhà báo Lê Bình có chia sẻ: “Chúng tôi đã rơi rất nhiều nước mắt vì sự đau khổ của những người phụ nữ nông dân, họ căm phẫn và tuyệt vọng khi không hiểu vì lý do gì, người thân, chồng, cha, con mình lại chết một cách oan uổng”. Hay khi được hỏi về “màu sáng của chiến tranh Syria”, Nhà báo Lê Bình chia sẻ: “Chiến tranh không thể có ánh sáng và hy vọng”, “chiến tranh có máu, nước mắt, có nỗi đau tận cùng, có những tội ác khủng khiếp, còn với ánh sáng, tôi lại chưa nhìn thấy. Đó là bản chất của chiến tranh”.
Tôi không thể tin được chị Bình lại có thể phát biểu một câu vô lý tới mức như vậy. Chiến tranh có phi nghĩa và cũng có những cuộc chiến tranh chính nghĩa. Hy sinh cho tổ quốc sẽ không thể là cái chết oan uổng như chị nói.
Chi tiết sai lầm trong tác nghiệp
Ảnh 1: Anh lính thuộc quân đội chính phủ giữ đại liên PKM trên lỗ châu mai, nhà báo Lê Bình mặc cái áo đỏ ghé đầu vào chỉ trỏ. Đây là hành động dại dột trên chiến trường, cái áo đỏ của chị Bình có thể lọt ngay vào mắt của một tay hoa tiêu thuộc IS nào đó đang lượn ống nhòm khắp nơi để tìm hoả lực của quân chính phủ. Khi bị lộ cứ điểm thì hoả lực tập trung vào đó, pháo, cối sẽ nã tới cái chỗ mà phóng viên Bình đang đứng. Vô hình chung, phóng viên Bình có thể hại cả đoàn phim cùng tiểu đội đang chiến đấu.
Ảnh 2: Trong công sự tối, chị Bình đeo kính râm như đang đi nghỉ mát ở Sea Links resort. Cạnh đó, chị nói “Mình làm lại nhé” với đồng nghiệp cho thấy chị đang làm đạo diễn. Đây là bộ phim tài liệu, cái tôi cần, mọi người cần là sự lột tả bản chất thật chứ không phải là sự diễn xuất.
Về 3 lần đối mặt với cái chết, có đúng sự thật?
Lần đầu “đối diện với cái chết” như quảng cáo của VTV là tại thành phố Homs. Nhà báo Lê Bình tản bộ trên một cái phố vắng người, phát biểu: “Đây là Homs, thành phố mới chỉ được giải phóng có một phần, phía bên kia IS vẫn đang chiếm đóng!” Thực chất, hướng Tây – khu vực duy nhất trong nội thành còn tồn tại phiến quân mà quân chính phủ chưa kiểm soát được, nằm trọn trong tay của lực lượng FSA (Quân đội tự do Syria) và Al – Nusra (Al – Qaeda chi nhánh Syria) chứ không phải IS.
Nội thành thành phố Homs gần như đã yên bình dù đổ nát, nghĩa là đó là vùng an toàn, cũng có nghĩa lần “đối diện với cái chết thứ 1” như giới thiệu của VTV là đã sai thông tin và nơi này không còn nguy hiểm đến tính mạng.
Lần thứ 2 “đối diện với cái chết”, theo ê-kíp chia sẻ, họ rời đi 30 phút thì quả bom cài sẵn phát nổ ngay tại tu viện họ từng đến phỏng vấn.
Được biết, Maaloula là thị trấn của người Cơ Đốc giáo. Đi đường cao tốc Damas – Aleppo theo hướng Bắc lên độ 40km, đi xuyên qua Ayn At Tina thì đến. Vùng này nằm trọn trong vùng mà lực lượng thân chính phủ Syria đang kiểm soát, tức là vùng an toàn, mà an toàn thì làm gì có chuyện đối diện với cái chết.
Và trong khoảng thời gian qua, tôi đã tìm kỹ, không có một vụ tấn công nào nhằm vào tu viện Cơ Đốc Giáo tại khu vực này trong thời gian qua cả. Có thể nói, lần “đối diện với cái chết” lần thứ 2 này không đến nỗi như lời mà chị và VTV đưa ra.
Khu vực có phiến quân gần nhất cũng là phía “đối lập ôn hòa” của Mỹ và đám Al – Nusra chi nhánh Syria đóng về phía Tây, cách đó tầm 60km gần biên giới Lebanon, chứ hiện tại thì không hề có một bóng quân IS nào ở đó.
Jobar là khu vực cách 2km về phía Đông Bắc thủ đô Damascus. Chỗ này, quân chính phủ giao tranh cùng với lực lượng “phe đối lập ôn hòa” FSA và Al – Nusra chứ cũng không có IS như nhiều người tưởng. Tình hình khu vực chiến trường nơi mà chị Lê Bình đang tác nghiệp, theo tôi quan sát thấy khá yên tĩnh. Một khu vực giao tranh căng thẳng phải có tiếng nổ của cối, B-41, tiếng lựu đạn, tiếng súng máy bắn áp chế liên hồi, tiếng người chỉ huy hò hét đốc thúc binh sĩ chiến đấu đánh trả địch, tiếng kêu gào của thương binh.
Trong cái phóng sự, tất cả mọi người ở khu vực chiến sự (kể cả binh lính và sĩ quan Syria) đều có vẻ thong thả khoan thai thay cho cái vẻ hối hả gấp gáp thường thấy của chiến trường. Thi thoảng lại vang lên vài tiếng súng, chị Bình giật mình rú lên. Xin thưa đó mới là lính chốt bắn vài loạt ngắn cầm chừng hoặc bắn thăm dò, rõ ràng nhất là anh lính giữ trung liên M-249 cũng chỉ mới kê súng bắn vài viên, khi giao tranh thật sự thì cái khẩu trung liên đó phải nhả đạn liên hồi, đạn áp chế lên đầu địch chứ không phải là bắn vài viên như trong phim đâu.
Anh lính Syria còn bắc ghế nhựa ra ngồi bắn súng: Vậy thì nguy hiểm tính mạng, đối diện cái chết là chưa xác thực. Vài 3 phát đạn, anh quay phim cho rung máy quay hết cỡ, làm ký sự như này nói không ngoa thì ai làm cũng được.
Chị Bình kết luận: “Người Syria đang dùng súng của Nga, Mỹ, Israel để bắn vào nhau”, chị không nắm được bản chất của cuộc chiến Syria, nơi mà quân đội chính phủ, những người đã bảo vệ các phóng viên khi mặc áo đỏ đeo kính râm đi lại thảnh thơi trong công sự, những người đang được Nga hỗ trợ chứ không phải được nhấn nhứ mạnh mẽ như là một bên gây ra chiến tranh đang cố gắng chống lại Chủ nghĩa khủng bố.
Chủ nghĩa khủng bố ấy vốn được Mỹ và Israel nhúng tay vào hỗ trợ. Chúng là lực lượng vẫn chặt đầu, ăn thịt người như các bạn khóc than trong đoạn đầu phóng sự. Các bạn cho rằng đó là “nội chiến”. Nó không còn là nội chiến khi mà Syria đã trở thành nơi tập hợp tất cả các chiến binh thánh chiến từ khắp nơi và nơi đan xen nhiều lực lượng từ Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, đặc nhiệm các nước như Nga, Iran, Hezbollah,…
Có một đoạn phỏng vấn tôi thấy anh lính trả lời rất hay. Phóng viên hỏi:
– Khi bắn anh có bao giờ run tay không?
– Tôi không bao giờ run tay, bởi vì tôi biết mình chiến đấu để bảo vệ cho Tổ quốc và nhân dân của mình.
Cách mà anh trả lời, đúng như một người lính có tình yêu, có hậu phương thân yêu và lý tưởng, đã khiến tôi nhìn thấu sự tương phản về nhân cách của hai con người trong khung hình lúc ấy.

Trang