31 tháng 7, 2014

Giáo dục –nhìn qua một giọt. . . nước!

Gần đây tôi có viết một bài khởi sự từ cái ác, tội ác ngày một lộng hành xẩy ra lan tràn và quá sức tưởng tượng trong đời sống xã hội. quy “nguyên nhân của mọi nguyên nhân: “Từ giáo dục”, “cho giáo dục”. Bao gồm giáo dục xã hội, giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường, trong đó tôi nghĩ giáo dục nhà trường chịu trách nhiệm chính.

Bởi lẽ, không ai “mù chữ”, thậm chí “chưa phổ cập THPT” mà có thể trở thành cán bộ đảng viên có chức có quyền, thậm chí quyền cao chức trọng. Và một bộ phận không nhỏ trong đó, đáng buồn thay, đã trở thành “thoái hóa biến chất cả về tư tưởng, đạo đức, lối sống”, thành “các nhóm lợi ích liên kết với nhau”, thành “bầy sâu tham nhũng”, ” ăn hết phần của dân chẳng chừa thứ gì”.Mà đã học hết phổ thông thì chí ít họ có 10 năm (trước đây), 12 năm (sau này) ngồi trên ghế nhà trường XHCN, thời kỳ đầu đời thanh thiếu niên quan trọng bậc nhất trong quá trình hình thành nhân cách, tư cách, nhân phẩm, trí lực, học lực của một con người. Vậy ngành nào chịu trách nhiệm chính, ngoài giáo dục, ngành duy nhất thường treo cao khẩu hiệu toàn chữ gốc Hán “tiên học lễ học học văn” ở tiền sảnh nhà trường phổ thông? Giáo dục “bất cập” trong việc dạy người “tiên học lễ hậu học văn” khiến hàng ngàn tội đồ, tội phạm lớn nhỏ, đã “loạn chuẩn đạo đức làm người” từ thủơ ngồi trên ghế nhà trường.Họ “ra lò đào tạo”, ra trường đời, tiếp tục “lỡ bỏ”, “lỡ quên” thậm chí chà đạp mọi điều lệ, kỷ luật, kỷ cương đạo đức xã hội, đoàn thể trong quá trình “công tác” ở đủ mọi lĩnh vực, đặc biệt nhạy cảm như hệ thống công quyền (chữ ký đóng dấu đỏ pháp lệnh), như ngân hàng (quyền lực xin- cho . . .tiền), như tài nguyên môi trường (dính tới quyền sử dụng đất-vàng !), như hệ thống tín dụng xã hội v.v…đã “bị lộ” buộc phải ra trước vành móng ngựa pháp đình.

Người viết không thấy cần thiết đả động tới bộ phận du thủ du thực đâm thuê chém mướn thuộc diện “xã hội đen” (không thuần thúy “đen” vì đã dính cả . . . “đỏ”, ví như vụ Nam Cam điển hình) gây ra tội ác. Bởi lý do đơn giản, một xã hội kỷ cương nghiêm minh từ trên xuống dưới, không có bảo trợ bảo kê “xã hội đen” như người ta thấy rõ nhãn tiền ngay cả trong vụ Dương Trí Dũng –Dương Tự Trọng gần đây, thì sẽ tự khắc dần dần xóa, mất đi tệ nạn này.Là người ngoại đạo ngành giáo dục, nên tôi không dám nghĩ mình viết như thế là đúng và hơn thế . . . là đủ ,là có ích cho người đọc. Nên tôi cẩn thận đưa cho một nhà thơ vốn là cựu hiệu trưởng một trường phổ thông trung học cơ sở ( cấp hai) để ông ấy thẩm định. Ông bạn thân mật bảo tôi “ông. . . hơi bị cực đoan , nghĩ. . . hơi oan cho ngành giáo dục . . .” Tôi phân vân. Gặp một “ông” khác ,nguyên hiệu trưởng một trường dạy nghề có tiếng cấp tỉnh. Ông này xin về hưu trước tuổi đưa ra lý do, như ông nói “cũng chẳng còn cách gì để làm cho học trò, đồng nghiệp, phụ huynh học sinh quý trọng, tin tưởng nhà trường mình quản lý hơn được nữa, thôi thì xin nghỉ sớm ngày nào hay ngày ấy, là hơn”.Ông tâm sự với tôi nhiều điều tâm huyết. Ví như ông nói giáo dục là một ngành “chuẩn không phải chỉnh” ,người làm nghề sống được đàng hoàng trong xã hội này thì tại sao hầu hết ông bà cha mẹ đã và đang “đứng lớp” mà có một thời gọi là nghề “chưa ráo (chơi chữ giáo/ráo) mồ hôi đã hết tiền”, nghề “bán cháo phổi”, “nghề giáo . . . .dở” vân vân và vân vân không mấy ai mặn mà cho con cháu vào “nối nghiệp ?”.. Vì các vị sợ con cháu mình ” sẽ khổ” , thậm chí khổ hơn cả ông bà cha mẹ , khổ cả tinh thần lẫn vật chất, vậy thôi.Có cô bé làm bài văn với chủ đề lớn lên em thích làm nghề gì nhất, được điểm cao ,về nhà khoe với mẹ vốn là ” giáo viên tự nhiên”, rằng “con viết về nghề của mẹ ,về mẹ, mơ ước của con là theo nghề mẹ”. Cô giáo ấy xem ra còn “cực đoan” hơn tôi, chẳng những không khen mà còn “ầm ĩ” cho con “một bài học”: “Mẹ khổ thế này chưa đủ . . .khổ hay sao mà con còn làm khổ mẹ. Con ca ngợi ,con đòi theo mẹ, con ơi là con ! Có lớn không có khôn. Khổ ơi là khổ “. Chuyện thật mà nghe như đùa, cười ra nước mắt!Ông cựu hiệu trưởng còn nhận xét thêm : con trai lại càng không thể cho vào ngành vì con trai ,đàn ông sau khi có gia đình, theo ông, là người “phải” giữ vai trò chủ đạo xây dựng một gia đình bền vững, trước hết bền vững về kinh tế . Mà nhà giáo thì. . . quẩn quanh sống với ba đối tượng chính: Học trò ,phụ huynh ,đồng nghiệp. Cả ba đối tượng này làm sao mà đặt vấn đề “làm kinh tế” tiền “đẻ” ra tiền như các ngành nghề khác! Lương thì ba cọc ba đồng . . . Người thầy về hưu trước tuổi còn “tâm sự” thêm; chỗ nào ,nơi nào ,thầy cô nào “vì hoàn cảnh ” vì những lý do khác nhau ” có làm cái việc dậy thêm ,dậy nếm theo yêu cầu hoặc . . . .không theo yêu cầu của phụ huynh và học trò thì nghĩ cho cùng ,phụ huynh và học trò đã cơ bản nhìn thầy , cô như một ” đối tác tiền trao cháo múc ” . . .Mà “cháo” đây phải được hiểu nghĩa đen là “cháo điểm”,cháo ‘bài thi tủ” thuộc kiến thức “giật bằng”. Sự kính trọng đã bị “đồng tiền – con đĩ của mọi thời đại” ( Sếch –spia) làm giảm giá mất rồi ! Ví von thì khiên cưỡng ,so sánh thì khập khiễng, như thế có khác nào một mối tình ” trong khi chắp cánh liền cành – mà lòng rẻ rúng đã dành một bên” ( Kiều) giữa chàng Trương Quân Thụy và nàng Thôi Oanh Oanh bên Tầu thời cổ xưa phong kiến . Trông thấy nhau trong khuôn viên nhà trường kẻ đỏ khẩu hiệu “tiên học lễ học học văn” mà thực tế diễn ra như thế thì thử hỏi lễ là “lễ” làm sao ,văn là “văn”thế nào. . .Biết đến bao giờ người thầy giáo trong xã hội có đủ điều kiện sống đàng hoàng; mới được tôn vinh đúng như người thầy từ trong truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc. Được tôn vinh như người thầy ngày xưa Chu Văn An ,Nguyễn Bỉnh Khiêm. . . Hay những người thầy thời hiện đại như Tạ Quang Bửu ,Lê Văn Thêm, Nguyễn Mạnh Tường ,Trần Đức Thảo , Trương Tửu, Ngụy Như Kon Tum, Hoàng Tụy , Đinh Gia Khánh v.v.. thì chắc chắn các thầy sẽ dậy, sẽ “hướng” trước hết con cháu mình vào nghề “trồng người cao quý nhất trên đời”. Chứ có đâu . . .Nhìn giáo dục qua đôi cuộc chuyện trò gặp gỡ người thầy đã bỏ “cả đời cán bộ” cho nghề “bảng đen phấn trắng cuộc đời . . .trắng” như là qua . . . một giọt nước với tinh thần nghe gì viết vậy, nghĩ sao nói vậy. Hiện trạng giáo dục là vậy mà mới đây đăng đàn diễn thuyết trên truyền hình ông Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói đi nói lại rằng ngành này ,người của ngành này và cả xã hội nữa cần. . . đổi mới tư duy.Thiết tưởng đấy là khẩu hiệu, là ” việc cần làm ngay” từ thời khởi sự đổi mới ở nước nhà vào nửa cuối thập kỷ 80 thế kỷ trước. Lẽ ra đổi mới tư duy phải đi trước một bước ; tiếp đó phải là chiến lược ,quyết sách giáo dục phù hợp với quốc kế dân sinh thực tiễn Việt Nam thời kỳ hội nhập toàn cầu ,trước khi tung ra các cuộc cải cách . . viết sách giáo khoa “ngốn tiền nhà nước” chả đâu vào đâu chứ ? Kiểu làm ăn đặt cày trước trâu như thế thì hỏi đến bao giờ giáo dục nước nhà mới đạt chuẩn “hấp dẫn” chính con em những người làm giáo dục , trong đó có con em hàng trăm ngàn thầy cô giáo đã gắn bó cuộc đời nhà giáo với bảng đen phấn trắng , với các thế hệ học trò thân yêu . / .

Trang