30 tháng 6, 2013

Công nghệ giữ tươi đến 10 năm

Nhật Bản đã chuyển giao cho Việt Nam công nghệ bảo quản nông sản, thực phẩm (CAS) hiện đại nhất hiện nay. Nông thủy sản sẽ được giữ tươi ngon đến 99,7% so với lúc vừa thu hoạch trong thời gian lên đến 10 năm.
Đây là công nghệ rất hiện đại, có giá lên đến hàng triệu USD. Sắp tới nếu thành công, tin rằng không chỉ quả dưa hấu, các loại nông sản khác có thể bảo quản được vài tháng, có thể tới vài năm
Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân
10 năm vẫn tươi như mới
Nhiều năm nay, nông dân luôn lâm vào cảnh được mùa mất giá. Các mặt hàng nông sản, đặc biệt là trái cây, thường xuyên bị thương lái của Trung Quốc ép giá. Dưa hấu, vải thiều... nhiều lúc phải bán tống bán tháo, đổ đi vì ế ẩm.
Thông qua hợp tác quốc tế, Tập đoàn ABI (Nhật Bản) vừa chuyển giao cho Việt Nam công nghệ CAS (Cells Alive System). “Đây là công nghệ rất hiện đại, có giá lên đến hàng triệu USD. Sắp tới nếu thành công, tin rằng không chỉ quả dưa hấu, các loại nông sản khác có thể bảo quản được vài tháng, có thể tới vài năm”, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân nói.
Theo ông Trần Ngọc Lân, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển vùng (Bộ Khoa học - Công nghệ), người phụ trách dự án, CAS là công nghệ hoạt động theo nguyên lý kết hợp giữa đông lạnh nhanh ở nhiệt độ -45 độ C với từ trường, đối tượng được đông lạnh là hải sản, nông sản, thực phẩm... Các nhà khoa học Nhật Bản đã chứng minh trong thực tế, sau từ 1 đến 2 năm, thậm chí là 10 năm tùy theo sản phẩm, thực phẩm sau khi bảo quản có chất lượng tươi ngon đạt 99,7% so với khi mới thu hoạch. “Tức là hôm nay đưa vào con cá, con tôm, quả vải, quả quýt, cây nấm..., 1 năm sau, 2 năm sau vẫn như mới. Trong khi ở Việt Nam, hoa quả đã qua thuốc bảo quản cũng chỉ để được cùng lắm 2 tháng. Gạo sau 1-2 năm bị mủn. Còn ở Nhật, hoa quả tối đa 5 năm, gạo 10 năm vẫn y nguyên”, ông Lân cho biết.
Việc Việt Nam sở hữu công nghệ CAS có thể coi là một sự kiện khó tin bởi đây là công nghệ vô cùng mới trong lĩnh vực công nghệ bảo quản nông sản, hải sản, thực phẩm mà không phải quốc gia nào cũng tiếp cận được. Ông Norio Owada, Chủ tịch Tập đoàn ABI (Nhật Bản), đồng thời là nhà sáng chế độc quyền công nghệ CAS cho biết: “Tôi mong muốn công nghệ CAS được chuyển giao vào Việt Nam sẽ giúp người làm nông nghiệp, ngư dân, hay những người chăn nuôi gia súc có cuộc sống tốt hơn. Hoa quả xuất khẩu, nếu không có kỹ thuật bảo quản sẽ chóng hỏng, khi đó giá thành sẽ thấp. Khi Việt Nam sử dụng công nghệ của chúng tôi, các bạn có thể đưa nguyên liệu hay sản phẩm ra các nước trong khu vực và nhiều nước khác trên thế giới với giá thành cao hơn. Đó cũng là lý do phía Nhật Bản đã lựa chọn Việt Nam là nước thứ 8 chuyển giao công nghệ này".
Giải bài toán khó cho nông nghiệp
Theo ông Trần Ngọc Lân, nông sản Việt Nam có lợi thế cạnh tranh rất cao vì thực phẩm nhiệt đới có hương vị, chất lượng, màu sắc thơm ngon được người tiêu dùng các nước phát triển rất ưa chuộng. Bên cạnh các sản phẩm xuất khẩu chủ lực như gạo, cá ba sa, cá ngừ, tôm sú..., có hơn 50 loại trái cây đặc sản mà thế giới rất thích như: vải thiều, nhãn lồng, thanh long, xoài, măng cụt, dứa...
Quá trình chuyển giao và hợp tác sẽ chia làm 3 giai đoạn. Bước đầu tiên (2013 - 2014), xây dựng trung tâm công nghệ CAS, 3 sản phẩm được lựa chọn thử nghiệm là: quả vải, tôm sú và cá ngừ. Giai đoạn 2 (2015 - 2016) sẽ chuyển giao công nghệ CAS ở một số doanh nghiệp hải sản, nông sản Việt Nam; Giai đoạn 3 sẽ chuyển giao chế tạo thiết bị CAS tại Việt Nam; đồng thời thành lập Liên doanh sản xuất và xuất khẩu nông sản, hải sản, thực phẩm Việt Nam bằng công nghệ CAS (với thị trường Nhật Bản và các nước khác).
Phòng thí nghiệm CAS đã đi vào hoạt động từ cuối tháng 6. Ông Lân chia sẻ: “Mong muốn của chúng tôi là công nghệ CAS sẽ góp phần vào công cuộc đổi mới công nghệ trong lĩnh vực công nghệ sau thu hoạch để giải một trong các bài toán khó của phát triển nông nghiệp hàng hóa, đó là bảo quản tươi hải sản và nông sản nhiệt đới Việt Nam để xuất khẩu và phục vụ dân sinh”.
“Hiện đang là mùa vải nên chúng tôi chọn vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm thử nghiệm đầu tiên. Mục tiêu trước mắt, sẽ bảo quản trong 6 tháng. Sau đó, tiến tới có thể lưu trữ quả vải trong vòng 1 năm. Nghĩa là tới đây, không riêng người tiêu dùng có thể mua vải thiều ăn quanh năm mà đặc sản này có thể xuất khẩu sang tận Mỹ và các nước châu Âu”, ông Lân nói.
CAS được 33 nước, lãnh thổ công nhận
Công nghệ CAS là sáng chế độc quyền của Nhật Bản và được áp dụng ở nhiều doanh nghiệp hải sản, thịt gia súc gia cầm, nông sản, thực phẩm ở Nhật Bản. Trên thế giới, bằng sáng chế của công nghệ CAS được công nhận ở 22 nước, vùng lãnh thổ và khối EU (11 nước). Hiện nay, CAS được áp dụng ở Mỹ (cá ngừ), Canada (quả thanh quất), Mexico (quả bơ và xoài), Ireland và Anh (hải sản, cá ngừ...), Hàn Quốc... Quá trình chuyển giao và hợp tác sẽ chia làm 3 giai đoạn. Bước đầu tiên (2013 - 2014), xây dựng trung tâm công nghệ CAS, 3 sản phẩm được lựa chọn thử nghiệm là: quả vải, tôm sú và cá ngừ. Giai đoạn 2 (2015 - 2016) sẽ chuyển giao công nghệ CAS ở một số doanh nghiệp hải sản, nông sản Việt Nam; Giai đoạn 3 sẽ chuyển giao chế tạo thiết bị CAS tại Việt Nam; đồng thời thành lập Liên doanh sản xuất và xuất khẩu nông sản, hải sản, thực phẩm Việt Nam bằng công nghệ CAS (với thị trường Nhật Bản và các nước khác).

Phòng thí nghiệm CAS đã đi vào hoạt động từ cuối tháng 6. Ông Lân chia sẻ: “Mong muốn của chúng tôi là công nghệ CAS sẽ góp phần vào công cuộc đổi mới công nghệ trong lĩnh vực công nghệ sau thu hoạch để giải một trong các bài toán khó của phát triển nông nghiệp hàng hóa, đó là bảo quản tươi hải sản và nông sản nhiệt đới Việt Nam để xuất khẩu và phục vụ dân sinh”.
“Hiện đang là mùa vải nên chúng tôi chọn vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm thử nghiệm đầu tiên. Mục tiêu trước mắt, sẽ bảo quản trong 6 tháng. Sau đó, tiến tới có thể lưu trữ quả vải trong vòng 1 năm. Nghĩa là tới đây, không riêng người tiêu dùng có thể mua vải thiều ăn quanh năm mà đặc sản này có thể xuất khẩu sang tận Mỹ và các nước châu Âu”, ông Lân nói.
Thu Hằng

Hoàng Thế Anh đăng quang chung kết Olympia năm thứ 13

HOÀNG THẾ ANH TÂN VÔ ĐỊCH


Chung kết Đường lên đỉnh Olympia đã kết thúc với chiến thắng thuyết phục của Hoàng Thế Anh, trong tiếng reo vang của cổ động viên trường THPT chuyên Bắc Giang. Số điểm của Thế Anh thực sự làm vừa lòng các thầy cô giáo, các cổ động viên cũng như khán giả quan tâm, yêu mến chương trình Đường lên đỉnh Olympia trên cả nước. 

Chân dung 4 nhà leo núi trong trận chung kết 

Đây là năm thứ 13 Olympia, Đài truyền hình Việt Nam đồng hành cùng các thế hệ học sinh Việt Nam. Chung kết năm nay có sự tham gia góp mặt của bốn thí sinh xuất sắc: Đào Nguyễn Thạnh Hưng – THPT Năng khiếu Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Vũ Hoàng Sơn – THPT chuyên Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐH QGHN, Nguyễn Văn Nam – THPT Phan Đăng Lưu – Nghê An và Hoàng Thế Anh – THPT chuyên Bắc Giang.
Chung kết là cuộc đua “ngang sức ngang tài” đầy gay cấn của bốn anh tài. Phần thi Khởi động kết thúc khá nhẹ nhàng. Các thí sinh với kinh nghiệm “leo núi” tích lũy được trong suốt năm qua, đều dành được số điểm khá cao.
Phần thi “Vượt chướng ngại vật” diễn ra vô cùng căng thẳng và gây cấn. Vũ Hoàng Sơn là người đưa ra câu trả lời về từ khóa sớm nhất. Tuy nhiên, đáp án “Trống đồng Đông Sơn” lại không giúp Sơn dành trọn 80 điểm. Ngay sau khi Hoàng Sơn đưa ra đáp án của mình, Thế Anh và Văn Nam cũng nhanh chóng bấm chuông giành quyền trả lời từ khóa. May mắn đã mỉm cười với Thế Anh, đáp án “Văn minh lúa nước” đã mang lại cho bạn 80 điểm, giúp Thế Anh vươn lên dẫn đầu cuộc thi với 160 điểm. Sau phần thi Khởi động, bám sát Thế Anh là Khánh Hưng với 80 điểm, Hoàng Sơn với 70 điểm và Văn Nam với 60 điểm.
Bước sang phần thi “Tăng tốc”, các thí sinh đều cố gắng hết sức để bứt phá. Bởi đây là phần thi có cơ hội dành nhiều điểm nhất, mang lại cho thí sinh cơ hội vượt lên các đối thủ của mình. Phần thi này vừa đòi hỏi sự thông minh nhanh trí cũng như kiến thức sâu rộng về các lĩnh vực, lại vừa đòi hỏi tốc độ. 
Trong phần thi “Tăng tốc” của chung kết Olympia ngày hôm nay, Thế Anh tiếp tục thể hiện sự vượt trội của mình khi 3 lần trả lời đúng các câu hỏi của phần thi “Tăng tốc” với tốc độ nhanh nhất. Kết thúc phần thi này, Thế Anh xuất sắc củng cố vị trí dẫn đầu của mình khi giành thêm 150 điểm, nâng quỹ điểm của mình lên con số 310 điểm. Thạnh Hưng tiếp tục theo sau Thế Anh với 170 điểm. Hoàng Sơn tạm đứng ở vị trí thứ 3 với 120 điểm và Văn Nam tạm đứng ở vị trí cuối cùng với 100 điểm.
Không khí căng thẳng ở trường quay S14 được xua đi phần nào với trò chơi Đố vui với sự tham gia của bốn điểm cầu ở bốn trường: THPT Năng khiếu Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, THPT chuyên Khoa học Tự nhiên Đại học Quốc gia Hà Nội, THPT Phan Đăng Lưu – Nghệ An, THPT chuyên Bắc Giang. Sự trẻ trung, nhiệt tình, sôi nổi của các cổ động viên đến từ bốn điểm cầu thực sự đã mang lại không khí vui tươi và phần nào giảm đi sự căng thẳng cho những ai đang có mặt tại trường quay S14 lúc bấy giờ.
Bước vào phần thi “Về đích”, các nhà leo núi của chúng ta phải đứng trước sự lựa chọn khó khăn với các gói câu hỏi của chương trình. Đây là lúc các thí sinh cần đến sự cổ vũ nhiệt tình, sự tư vấn thông minh đến từ các điểm cầu.
Thạnh Hưng là thí sinh nhập cuộc “Về đích” đầu tiên. Với sự động viên khích lệ từ bạn bè người thân, Hưng đã về đích khá an toàn. Gói câu hỏi 80 điểm đã mang lại cho Hưng cơ hội nâng cao số điểm của mình.
Thí sinh về đích thứ hai là Vũ Hoàng Sơn, sau lời cổ động tinh nghịch đến từ người bạn cùng phòng “Nếu không về đích tốt thì sẽ không được nằm trên giường”. Hoàng Sơn đã chọn gói câu hỏi 80 điểm với ngôi sao hy vọng. Đây thực sự không phải là một ngày may mắn của Sơn. Trong câu hỏi liên quan đến lĩnh vực Vật lý của mình, Sơn đã đưa ra được đáp án đúng nhưng lại không đưa ra được lời giải thích thỏa đáng làm hài lòng những người làm chương trình. Ở câu hỏi Tiếng Anh, ngôi sao hy vọng đã không mỉm cười với Sơn. Thạnh Hưng đã xuất sắc chớp lấy cơ hội và giành 30 điểm về cho mình.
Văn Nam – Thí sinh xuất sắc đến từ quê Bác đã thể hiện tinh thần “chơi hết mình” với gói câu hỏi 80 điểm của chương trình cùng ngôi sao hy vọng ở câu hỏi cuối. Vẫn là một câu hỏi Tiếng Anh, và cũng giống như Hoàng sơn, may mắn đã không mỉm cười với em. Lần này Hoàng Sơn đã thực sự may mắn khi giành được 30 điểm cho mình, mặc dù hiểu nhầm câu hỏi nhưng lại đưa ra được đáp án đúng. Câu hỏi Tiếng Anh được chuyên gia đưa ra là “Nước nào ở châu Á sản xuất nhiều chè nhất?”. Cậu đã nghe nhầm là “Nước nào ở châu á là thuộc địa của Anh?”. Tuy nhiên, câu trả lời “India” (Ấn Độ) lại là một đáp án đúng và được chương trình chấp nhận.
Thế Anh – thí sinh dẫn đầu cuộc thi và có khoảng cách khá lớn với các thí sinh còn lại bước vào phần thi “Về đích” trong niềm xúc động nghẹn ngào. Thế Anh có một lựa chọn an toàn với gói câu hỏi 40 điểm cùng ngôi sao hy vọng ở câu hỏi cuối. Có lẽ do quá xúc động, Thế Anh không trả lời đúng câu hỏi nào để nâng cao cũng như bảo toàn số điểm của mình. Nhưng 285 điểm là quá đủ để đưa Thế Anh đến chiến thắng cuối cùng.
Sau phần thi “Về đích”, sau nhiều lần “giằng co” với những câu hỏi của chương trình, kết quả chung cuộc như sau: Thế Anh trở thành nhà vô địch với 285 điểm, Á quân của chung kết là Thạnh Hưng với 185 điểm. Hai giải ba thuộc về Hoàng sơn và Văn Nam.
Đây là một chiến thắng làm hài lòng người hâm mộ, đặc biệt là những cổ động viên của trường THPT chuyên Bắc Giang, nơi không khí sôi động luôn diễn ra từ đầu chương trình với khẩu hiệu tràn đầy niềm tự hào sâu sắc: “Thế Anh – Thế mới là Anh!”.
Trận chung kết đã khép lại Olympia năm thứ 13, hứa hẹn mùa thi thứ 14 với những trận đấu kịch tính và những nhân vật xuất sắc hơn nữa.
Hà Thu

9.000 giáo sư, phó giáo sư để làm gì?


 Tuổi Trẻ (15/11/2010) giật tít ngay trang nhất: “Việt Nam đã có 9.000 giáo sư, phó giáo sư”, nội dung bản tin như sau: “Sáng 14-11 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội), Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đã tổ chức lễ công bố quyết định và trao chứng nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư cho 578 người.
Trong số trên 900 hồ sơ đăng ký xét tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) năm 2010, có 71 người được công nhận GS và 507 người được công nhận PGS.
So với năm trước, số GS, PGS thuộc các đơn vị ngoài trường, viện nghiên cứu tăng hơn; có 19,9% GS, PGS là nữ, có hai GS và bốn PGS là người dân tộc thiểu số. PGS trẻ nhất là Diệp Công Thành, 32 tuổi, ngành cơ học Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, GS trẻ nhất là Phạm Quang Trung, 46 tuổi, ngành kinh tế Trường ĐH Kinh tế quốc dân.
Như vậy với 578 GS, PGS lần này, cả nước hiện có 9.000 GS và PGS kể từ năm 1945 đến nay”.
Ai cũng biết xã hội tiến bộ và phát triển nhờ vào tầng lớp trí thức, khoa học. Nước ta là nước nghèo, lạc hậu, nay có số lượng GS, PGS nhiều đến như thế thì quả là một tin vui. Nhưng đàng sau con số 9.000 lại thấy có gì đó không bình thường.
Xứ tui có một di tích văn hóa- lịch sử độc đáo mà cả nước không có, đó là chiếc đồng hồ đá của Bác vật Lưu Văn Lang (còn gọi là Bác vật Lang, Bác vật tương đương với chức danh kỹ sư bây giờ, chưa đến mức Giáo sư, Phó Giáo sư). Ông Bác vật Lang là người Việt Nam du học sang Pháp rồi trở về Việt Nam làm việc, tuy không sanh ra ở Bạc Liêu nhưng thân sinh ông và ông có thời gian lập nghiệp sinh sống ở nơi này. Người dân Bạc Liêu tự hào về ông Bác vật Lang và chiếc đồng hồ đá lắm. Nó là bằng chứng hùng hồn chứng minh với người xứ khác rằng dân Bạc Liêu không chỉ biết đi rừng, đi biển, “mần guộng”, uống rượu “đế mắt mèo” không say, ca vọng cổ thiệt là mùi… mà còn biết phát minh khoa học để đời.
Nghe nói, khi ông Bác vật Lang về Bạc Liêu, thời đó đồng hồ hiếm lắm, nhà giàu mới sắm được đồng hồ quả quít đeo tòn teng bằng sợi dây chuyền vàng để… khoe của hơn là coi giờ. Vì vậy, mà có nhiều sự “trớt he” giữa người dân và “người nhà nước”. Để giúp cho hai bên khỏi hiểu lầm nhau, ông bèn xây tặng một cái đồng hồ đá ngay trong sân Tòa hành chánh của nhà nước bảo hộ Pháp (nay thuộc khuôn viên sân trường Đại học Bạc Liêu) để cho viên chức nhà nước và dân chúng cùng xài chung. Trừ những ngày mưa, trời có nắng đồng hồ chạy cực kỳ chính xác và vẫn chính xác cho đến ngày nay. Thật đáng khâm phục tài năng và tinh thần đem khoa học phục vụ cộng đồng của ông Bác vật Lang.
Từ năm 1990, tức là từ khi tôi biết đọc và nghiền ngẫm kỹ từng tờ báo trong nước cho đến nay, nếu tôi nhớ không lầm thì “báo ta” thường đăng bài về các phát minh đủ loại máy móc phục vụ nông nghiệp của mấy nhà “pha học tay ngang” nông dân, được nông dân nhiệt liệt hoan hô và đặt mua máy ào ào, sản xuất không kịp bán; nhưng hiếm khi thấy có vị GS, PGS công bố công trình khoa học gây sự chú ý và đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Nếu có thì đọc qua rồi một thời gian tui cũng quên béng không biết họ phát minh ra cái gì bởi lẽ nó xa vời, mông lung quá.
Nói túm lại là nhà khoa học hay GS, PGS gì đó chỉ được người ta nhớ tên tuổi, tôn trọng, quý mến khi GS, PGS ấy có công trình khoa học phục vụ được lợi ích thiết thực cho người dân.
Cũng theo Tuổi Trẻ cùng ngày, nước ta là nước chuyên sản xuất muối, muối trong nước dư thừa nhưng vẫn nhập, ông Phạm Ngọc Thảnh (chuyên viên cao cấp Cục Hóa chất, Bộ Công thương) cho biết nhu cầu muối năm 2010 là 454.000 tấn (sản xuất hóa chất 240.000 tấn và sản xuất, chế biến thực phẩm, hải sản 214.000 tấn) thì mua trong nước chỉ có 156.000 tấn, nhập khẩu đến 298.000 tấn. Các doanh nghiệp nhập khẩu muối lý giải rằng muối Việt Nam không đạt độ sạch và chất lượng, “không thể sử dụng được trong công nghiệp nói chung và sản xuất thực phẩm nói riêng”. Hơn 400 tấn muối Sa Huỳnh tồn đọng không bán được đã mất trắng trong đợt lũ vừa rồi. Các vị GS, PGS đã làm gì để nâng cáo chất lượng hạt muối Việt Nam và cứu lấy diêm dân?
Ông Nguyễn Bá Định (Phó chi cục trưởng Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I), cho biết các mặt hàng rất là bình thường như: văn phòng phẩm, bút, bì thư, miếng chùi xoong nồi, miếng rửa chén… vẫn được nhập khẩu về thường xuyên. Hàng nông sản nhập về Việt Nam tăng đột biến. “Tổng cộng trong mười tháng đầu năm nay, lượng cà rốt nhập khẩu lên đến 21.300 tấn”. Hành lá nhập khẩu cũng tăng vọt từ 947 tấn trong năm tháng đầu năm nay lên đến 8.350 tấn, các loại nấm từ 887 tấn “nhảy” tới gần 7.740 tấn… Lượng táo, nhãn, me… nhập khẩu cũng tăng vùn vụt. Hầu hết mặt hàng này có nguồn gốc từ Trung Quốc, Malaysia. Ở mặt hàng trái cây, ổi, mận Trung Quốc, cùng với chuối, thơm Philippines trước đây mới chỉ xuất hiện ở siêu thị và một số sạp bán lẻ, nay đã trở nên phổ biến tại các sạp trái cây”. “Tại các chợ đầu mối, bắp cải, xá lách, cải thảo xuất xứ Trung Quốc ngày càng nhiều, được đóng trong các thùng xốp lớn, bảo quản lạnh với giá bán tương đương hàng VN”.
Sau tăm tre, cà rốt, khoai tây… nhiều mặt hàng nông sản quen thuộc khác mà trong nước sản xuất được như: bắp cải, cải thảo, xà lách, hành lá… vẫn đang được nhập khẩu với số lượng tăng gấp nhiều lần so với hồi đầu năm nay. Trong đó, phần lớn mặt hàng trên đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Riêng trong 10 tháng đầu năm 2010 đã nhập 1.118 tấn… tăm tre.
Theo quy định hiện nay, nếu có C/O chứng minh xuất xứ, hàng nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ được hưởng mức thuế suất thuế nhập khẩu 0%”. “Riêng đối với hàng nông sản nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia… thuế suất nhập khẩu là 5%”.
Người tiêu dùng lẫn nông dân không hiểu tại sao hàng nông sản Trung Quốc thì không bị đánh thuế mà nông sản của quốc gia Đông Nam Á khác lại bị đánh thuế 5%. Nhờ ưu đãi về thuế nên giá bán nông sản Trung Quốc bao giờ cũng rẻ hơn, thậm chí có loại còn rẻ hơn nông sản trong nước, nên nông sản Trung Quốc tha hồ ồ ạt tràn vào Việt Nam. Hàng nhập vào không cần giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, người tiêu dùng không có cách gì nhận biết những thứ nông sản ăn vào hằng ngày có hay không dư lượng chất bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích… đang ngày ngày đầu độc giống nòi dân Việt, làm tê liệt nền nông nghiệp trong nước, đẩy nông dân Việt vào cảnh bần hàn. Các vị GS, PGS đã làm gì để cứu lấy nền nông nghiệp Việt Nam, cứu lấy nông dân và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng?
Việt Nam vẫn còn phải đào tài nguyên thô đem bán. Trước kia là than đá, là dầu thô. Ngư trường Việt Nam rộng lớn, hải sản biển tuy nhiều nhưng Việt Nam chưa có được một chiếc tàu đánh cá nào có luôn nhà máy chế biến đóng hộp sản phẩm trên tàu để tăng giá trị hải sản Việt. Bây giờ Việt Nam chuẩn bị đào bán bauxite, đất hiếm. Các vị GS, PGS đã làm gì để tăng giá trị “biển bạc”, Việt Nam không phải bán tài nguyên thô mà là bán những sản phẩm công nghiệp hoàn chính?
Giá như 9.000 GS và PGS kia mỗi vị chỉ cần có 1 công trình khoa học nho nhỏ như ông Bác vật Lang thôi thì người dân Việt hạnh phúc và biết ơn các vị ấy biết chừng nào. Chức danh GS và PGS không phải là thứ trang sức để dành khi đăng đàn diễn thuyết, lên báo, lên đài đọc lên nghe “nổ đùng đoàng” để cho sướng lỗ tai!
Tạ Phong Tần

Báo chí cách mạng: hồng và chuyên

Lý Toét 




Bài viết nhân ngày Báo chí cách mạng, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng: Việt Nam phải có tập đoàn truyền thông mạnh và chủ trương Xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên.
Như các ngành khác nói chung đòi hỏi 2 yếu tố Hồng và Chuyên, ngành báo chí tuyên truyền còn yêu cầu sâu sắc hơn thế. Báo chí phương Tây, là "quyền lực thứ 4" tương đối độc lập với chính quyền, chỉ là một phương tiện chuyên nghiệp, không có yếu tố Hồng. Trước đây, hệ thống truyền thông này được xem là lực lượng phản động quốc tế, ngày nay được gọi nhẹ nhàng hơn thành "các thế lực thù địch".
Sinh thời, Bác Hồ đã nói báo chí là một mặt trận; nhà văn nhà báo là các chiến sĩ; ngòi bút của họ là vũ khí; từng câu chữ là những viên đạn bắn vào quân thù.
Những ngày đầu, khi cách mạng còn trong trứng nước, Đảng ta đã xem báo chí là mặt trận quan trọng nhất. Hai công tác khẩn trương đó là Tổ chức và Tuyên truyền. Tổ chức đảng và tổ chức quần chúng đấu tranh, tổ chức tới đâu tuyên truyền tới đó. Rồi trên cơ sở tuyên truyền mà phát triển tổ chức, trên cơ sở tổ chức mở rộng mà phát triển tuyên truyền, cứ thế như là một phản ứng dây chuyền. Trước cách mạng Tháng tám chỉ có 4 ngàn đảng viên, ngày nay Tổ chức đã phát triển thành một hệ thống chính trị đến tận cơ sở tổ khóm mà nòng cốt là hơn 3 triệu đảng viên.
Khẳng định Tuyên truyền bao giờ cũng là một mặt trận đấu tranh tư tưởng ngay từ khi đảng ta còn chưa nắm quyền lực cai trị. Từ yêu cầu không tách rời hai tiêu chuẩn Hồng và Chuyên, đảng ta kiên quyết không bao giờ chia sẻ lĩnh vực truyền thông công cộng và xuất bản báo chí cho tư nhân.
Phương châm của báo chí cách mạng: phải trung thành tuyệt đối với đường lối của đảng đồng nghĩa với việc khẳng định đường lối của đảng luôn luôn đúng và tốt đẹp; các thế lực thù địch luôn luôn xấu và sai.
Tiêu chuẩn Hồng: là chiến sĩ trên mặt trận văn hoá, lựa chọn tốt nhất là những đảng viên. Nếu chưa là đảng viên, người làm công tác báo chí phải tâm niệm rằng anh được đảng trả lương, anh phải làm những việc đảng yêu cầu như là một đảng viên thực thụ.
Báo chí phanh phui những việc lợi dụng chính sách để trục lợi, chẳng hạn như độc quyền trong nhập khẩu thuốc tân dược tức là đã đi ngược lại với chủ trương tất yếu sẽ bị đình chỉ công tác, bị khởi tố trong trường hợp phóng viên Lan Anh. Hoặc việc gài bẫy để tố cáo việc CSGT tống tiền mãi lộ của phóng viên Hoàng Khương, hậu quả là đã bị tống giam và khởi tố vụ án hình sự.
Tiêu chuẩn Chuyên: tức chuyên môn, có đào tạo chuyên nghiệp. Như là, người lính biết bắn súng; phi công biết lái máy bay; kỹ sư biết lập đồ án công trình etc. Trong ngành báo chí tuyên truyền, nhà báo phải biết thủ thuật để đánh lạc hướng dư luận; sớm phát hiện được những đồng nghiệp đi chệch lề; lèo lái dư luận quần khỏi những bức xúc về quyền lợi của họ; hướng bức xúc của dư luận vào những điểm có lợi cho mục tiêu trường kỳ cai trị của đảng.
Từ trước đến nay, lợi dụng tính chất khó dự trữ của lúa gạo, VFA hay dùng chiêu ngưng xuất khẩu để dìm giá thu mua gạo. Cộng với chính sách không hỗ trợ tín dụng cho nông dân trồng lúa, nông dân buộc phải bán lúa vừa thu hoạch với giá thấp để trả nợ. Nay một hướng mới là bán cho thương nhân Trung Quốc được giá cao hơn. Lập tức báo chí lên án các thương nhân nước ngoài như là hành vi gian thương.

Nói gọn hơn đó là đường lối tô hồng bôi đen của báo chí cách mạng.

Sẽ lấy phiếu tín nhiệm từ Tổng bí thư trở xuống

Chung Hoàng 

Trao đổi với cử tri quận Ba Đình, Hà Nội chiều 28/6, Tổng bí thư cho hay, sắp tới sẽ lấy phiếu tín nhiệm trong TƯ Đảng, từ Tổng bí thư trở xuống.
Sẽ lấy phiếu tín nhiệm từ Tổng bí thư trở xuống

Nhiều cử tri lão thành rất quan tâm và băn khoăn về việc QH lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm với 47 chức danh do mình bầu và phê chuẩn.
Ông Trần Toại (phường Cống Vị) muốn nghe Tổng Bí thư đánh giá về bộ máy hành pháp khi có nhiều tín nhiệm thấp đối với những bộ, ngành quan trọng. "QH đã phân tích nguyên nhân của những trường hợp tín nhiệm thấp đó chưa?", cử tri hỏi.
Ông Trần Việt Hoàn (phường Liễu Giai) nêu thắc mắc của nhiều cử tri: Tại sao có ba mức tín nhiệm mà không phải hai mức như truyền thống trước nay và thế giới?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý cử tri phân biệt lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm: "Lấy phiếu là để thăm dò tín nhiệm, là một cách để xem anh làm việc được lòng dân, cử tri, ĐB chưa".
Tổng Bí thư cho rằng không chỉ ở QH mà các cơ quan Đảng cũng phải làm việc này để "kịp thời chấn chỉnh, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn trước, phòng hơn chữa".
"Đây không phải thủ thuật làm để cuối cùng hoà cả làng, dĩ hòa vi quý hay có tính toán gì không trong sáng", Tổng Bí thư khẳng định. "Đây là một thông tin để đánh giá cán bộ, không có tính chất quyết định nhưng rất quan trọng".
Theo ông Nguyễn Phú Trọng, lần đầu tiên cũng là vừa làm vừa rút kinh nghiệm vì khó quá: "Thực ra chúng tôi cũng rất hồi hộp, chưa nước nào đưa ra lấy phiếu tín nhiệm nhiều người như vậy, sắp tới còn lấy ở Trung ương Đảng từ Tổng Bí thư trở xuống, các cấp ủy, HĐND nữa".
Những câu hỏi hai hay ba mức, số lượng chức danh, lấy mỗi kỳ hay hàng năm... đều được các ĐBQH thảo luận kỹ và chặt chẽ, ông Nguyễn Phú Trọng giải trình với cử tri.
Tại sao những ngành chủ chốt có phiếu thấp, theo Tổng Bí thư, bản thân câu hỏi đã là câu trả lời.
"Vì những ngành đó khó quá, cọ xát với công việc phức tạp quá, anh nào càng hăng hái có khi lại càng sợ mất phiếu, không cẩn thận lại co lại, không ai làm thì rất gay, hay lại đối phó, vận động, mua phiếu thì không được", Tổng Bí thư phân tích. "Quan trọng là lấy phiếu có công tâm, khách quan, trong sáng không".
"Nói vậy chứ, thử đặt mình trong cuộc cũng suy nghĩ trăn trở lắm: tại sao đồng chí kia cao, mình thấp, để tự rèn luyện, điều chỉnh để cải tiến tốt hơn trong công việc", ông Nguyễn Phú Trọng chia sẻ.
Biển Đông - không chủ quan
Cử tri Trần Toại cũng trăn trở: tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, chủ yếu do phía Trung Quốc, nhưng phải chăng ta đang sao nhãng quốc phòng, nhận thức nhẹ về kinh tế biển đảo, chậm xây dựng lực lượng hải lục không quân tương xứng...
Tổng Bí thư trao đổi: Vấn đề Biển Đông không chỉ là quan hệ giữa một hai nước mà liên quan nhiều nước, đến an ninh, an toàn, tự do hàng hải trên cả vùng biển và nhiều biển xa hơn.
"Trường Sa không chỉ là giữa ta với Trung Quốc, mà liên quan 6 bên 4 nước", ông Nguyễn Phú Trọng nói. "Đây là vấn đề cụ thể nhưng lớn và nhạy cảm, không xử lý tốt thì liên quan đến độc lập, chủ quyền quốc gia, hòa bình ổn định để phát triển đất nước, cần hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, khôn ngoan".
Tổng Bí thư khẳng định không chủ quan với Biển Đông: Trung ương Đảng có nghị quyết về chiến lược phát triển biển, QH thông qua luật Biển, lập Ban chỉ đạo về Biển Đông, các diễn đàn quốc tế ta đều có ý kiến, nêu quan điểm công khai, đàng hoàng...
"Với tinh thần độc lập chủ quyền quốc gia là thiêng liêng, chúng ta không bao giờ xa rời nguyên tắc đó nhưng xử lý, giải quyết phải làm sao vẫn giữ được môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước", Tổng Bí thư nói. "Nếu xảy ra xung đột thì hình dung đất nước sẽ thế nào, không cẩn thận sẽ mắc vào những âm mưu không lành mạnh, không trong sáng, kích động, chia rẽ".
Khuyến khích ý kiến khác nhau
Cử tri Nguyễn Cao Đức (phường Điện Biên) thì băn khoăn: Trong nhiều vấn đề, vẫn còn ý kiến chưa thống nhất giữa Chính phủ với các ĐB và các chuyên gia, cử tri muốn hiểu rõ để có cái nhìn chính xác và niềm tin vững chắc.
Tổng Bí thư cho rằng trên bất cứ vấn đề nào cũng có ý kiến khác nhau, thậm chí gần như đối nghịch, do nhận thức, thông tin, cách nhìn, phương pháp đánh giá.
"Hà Nội chúng ta bàn bất cứ việc gì cũng có ý kiến khác nhau, lúc tôi mới về làm Bí thư, anh em còn nói vui 'việc gì không định làm thì mang ra bàn'", ông Nguyễn Phú Trọng chia sẻ.
Nhưng Tổng Bí thư cho rằng qua đó sẽ cọ xát để tìm ra chân lý: Nếu người cầm quân tài giỏi, biết lắng nghe, chắt lọc ý kiến đúng, tìm được tiếng nói đồng thuận thì rất tốt.
"Đưa ra mà cứ răm rắp đồng tình thì dễ sai lắm", ông Nguyễn Phú Trọng khẳng định nên khuyến khích những ý kiến khác nhau.

29 tháng 6, 2013

4 chàng trai của trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia

Hoàng Thế Anh, Vũ Hoàng Sơn, Đào Nguyễn Thạnh Hưng, Nguyễn Văn Nam là 4 gương mặt sẽ thi đấu trong trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm nay.
 Trận chung kết cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 13 sẽ được diễn ra lúc 9h30 sáng 30/6 tại trường quay S9, Đài truyền hình Việt Nam và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV3.

Năm nay, cuộc tranh tài hứa hẹn nhiều kịch tính với sự góp mặt của 4 gương mặt xuất sắc nhất gồm: Hoàng Thế Anh, lớp 11 chuyên toán, THPT chuyên Bắc Giang (nhất quý I), Vũ Hoàng Sơn, lớp 12A Hóa, THPT chuyên KHTN, ĐHQG Hà Nội (nhất quý II), Đào Nguyễn Thạnh Hưng, trường THPT Năng khiếu ĐHQG TP.HCM (nhất quý III) và Nguyễn Văn Nam, lớp 12A trường THPT Phan Đăng Lưu, Nghệ An (nhất quý IV).

Hoàng Thế Anh
Là người đầu tiên giành tấm vé vào chung kết năm của Đường lên đỉnh Olympia, Hoàng Thế Anh (lớp 11 chuyên toán, tỉnh Bắc Giang) đã lập kỷ lục 3 lần lật mở được ô chữ ở phần thi Vượt chướng ngại vật tại các cuộc thi tuần, tháng và quý thành công.
Theo Thế Anh, thành tích của em không tự nhiên mà có. Đó là một quá trình nỗ lực của bản thân, sự hỗ trợ, động viên của gia đình, bạn bè và nhất là sự giúp đỡ, chỉ bảo tận tình của các thầy, cô giáo.

Yêu thích các môn học tự nhiên, điểm trung bình môn Toán, Hoá học, Vật lý của Thế Anh luôn đạt hơn 9,0. Ngoài thời gian thư giãn, chơi thể thao, Thế Anh còn rất thích "lang thang" trên Internet tìm hiểu kiến thức và đọc những bài viết về các danh nhân. Trong đó, em đặc biệt thích những câu chuyện về con người và cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trước trận chung kết, Thế Anh rất tự tin vì trên con đường "leo núi" em không chỉ có một mình mà luôn có các thầy, cô giáo, gia đình, bạn bè giúp đỡ.
Thế Anh cho biết, trước mắt, điều quan trọng nhất với em vẫn là việc học để thực hiện ước mơ trở thành kỹ sư Điện tử hoặc Viễn thông của đại học Bách khoa. Về cuộc thi này, với sự giúp đỡ của các thầy, cô giáo, em sẽ cố gắng bổ sung kiến thức và nỗ lực hết mình.


Vũ Hoàng Sơn
Nhanh nhẹn và hoạt bát, Vũ Hoàng Sơn, lớp 12A Hóa trường THPT chuyên KHTN (ĐHquốc gia Hà Nội) đã để lại ấn tượng mạnh với khán giả. Hoàng Sơn không chỉ nói nhanh còn là thí sinh đưa ra câu trả lời nhanh nhất.
Cảm thấy may mắn khi là thí sinh đã lọt vào vòng thi quý của chương trình nhưng Hoàng Sơn đã thể hiện sự thông minh, nhanh trí trong các vòng thi và xuất sắc về nhất với 240 điểm.

Nguyễn Thạnh Hưng
Với vốn kiến thức sâu rộng, Đào Nguyễn Thạnh Hưng đến từ trường THPT Năng khiếu TP.HCM luôn bình tĩnh, tự tin trước mỗi cuộc thi.
Tinh thần thi đấu hết mình, Thạnh Hưng đã bứt phá thành công ở phần thi về đích, với việc mạnh dạn lựa chọn gói câu hỏi 80 điểm đã cộng thêm cho mình những điểm số cao.
Hiện tại, việc quan trọng nhất đối với Hưng là ôn thi đại học. Những kiến thức này cũng giúp Hưng trả lời được các câu hỏi ở các vòng thi. Ngoài ra, chàng trai này còn vẫn thường xuyên đọc báo và cập nhật các tin tức thời sự thường xuyên. Bởi để chinh phục được đỉnh Olympia, bạn phải có kiến thức sâu rộng ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Trước trận chung kết chàng trai này cảm thấy hoàn toàn thoải mái và không đặt nặng vấn đề thắng thua mà thay vào đó là tinh thần giao lưu, học hỏi là chính.
Đánh giá về điểm mạnh của bản thân, Thạnh Hưng cho rằng đó là suy nghĩ khá nhanh, còn điểm yếu lại là còn hơi lúng túng ở vòng thi vượt chướng ngại vật. Hiện tại, Hưng đang có gắng khắc phục những điểm yếu này để không mắc sai lầm tại trận chung kết.

Nguyễn Văn Nam
Nguyễn Văn Nam (lớp 12A trường THPT Phan Đăng Lưu, Nghệ An) là học sinh đầu tiên đại diện cho trường lọt vào chung kết năm của Đường lên đỉnh Olympia. Chính vì thế, Nam luôn có một lượng cổ động viên rất đông đảo.
Tự nhân mình học không xuất sắc nhưng vì niềm đam mê đặc biệt với cuộc thi, nên chàng trai này đã đến gặp ban giám hiệu đề nghị được tạo điều kiện tham gia sân chơi này.
Vì vậy, động lực để Nam tham gia cuộc thi này chỉ để thực hiện ước mơ từ khi còn nhỏ. Và chính cậu cũng bất ngờ với những kết quả mình đạt được.
Trong các cuộc thi tuần, tháng, quý, các "đối thủ" của Nam đều đến từ các trường THPT chuyên nổi tiếng. Thế nhưng chính vì thi đấu với tâm lý thoải mái và với kiến thức khá rộng về các lĩnh vực, Nam lần lượt giành chiến thắng một cách thuyết phục để giành suất tham dự trận chung kết năm.
Được biết, Nam đã đọc rất nhiều sách báo để bổ trợ thêm kiến thức cho mình. Nói về thế mạnh ở môn tiếng Anh, Nam chia sẻ mình thích học từ nhỏ và thường xem phim nước ngoài, nghe nhạc quốc tế để rèn luyện khả năng nghe và nói.
Hiện tại, mục tiêu lớn nhất của Nam đó chính là được đặt chân vào giảng đường đại học. Chàng trai này đã đăng ký dự thi vào khoa Tự động hóa (ĐH Bách Khoa Hà Nội) và Kinh tế đối ngoại (ĐH Ngoại thương).

Phút 89 cho lòng tự trọng của một vị tướng

Tân Châu

Dù muộn nhưng còn hơn không? Phút 89 cho lòng tự trọng không bao giờ thừa, nhất là với một vị tướng!
Thiếu tướng Nguyễn Chí Phi
Ngày 24/6, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao công bố cáo trạng liên quan tới 3 cựu sĩ quan công an trong vụ án buôn lậu xăng dầu Hùng “Xì Tẹc” - vụ án khá lớn - xôn xao dư luận miền Tây: Cuối năm 2002, khi điều tra chuyên án 502X liên quan đến nhóm của Trần Thế Hùng (tức Hùng “Xì Tẹc”) buôn lậu xăng dầu.
Trong vụ án này, Phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang tạm giữ rất nhiều tiền và tài sản của các đương sự. Thay vì mở tài khoản tạm giữ tại kho bạc, lãnh đạo Công an Tiền Giang đã mang gần 30 tỉ đồng và hơn 200.000USD gửi ngân hàng lấy lãi nhập quỹ riêng, chia nhau.
Đó cũng là lý do có cáo trạng của Viện Kiểm sát công bố lần này. 3 cựu sĩ quan đó là ông Ngô Thanh Phong (nguyên Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ), Phạm Văn Út (nguyên Đội trưởng Đội Tham mưu văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra) và Nguyễn Văn Nên (nguyên Trưởng công an huyện Châu Thành).
Cùng với ban hành cáo trạng, Viện Kiểm sát công bố một thông tin - lẽ ra phải sớm hơn: Đề nghị kỷ luật Thiếu tướng Nguyễn Chí Phi, Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang. Hài hước nhất là chi tiết: Vị tướng này được chia 80 triệu đồng nhưng không biết tiền gì...!!!
Báo Tuổi Trẻ vốn không quan tâm tới việc đưa ý kiến phản hồi bạn đọc. Thế nhưng trong bài “Đề nghị kỷ luật Giám đốc Công an Tiền Giang Nguyễn Chí Phi” cũng đã đăng một ý kiến nói về vụ “Nhận 80 triệu đồng mà không biết tiền gì!”.
Có thể ông tướng này không biết là khoản tiền này từ đâu thật! Ở các nước khác cũng đã từng xảy ra chuyện tương tự. Như ở Hàn Quốc, cựu Tổng thống Roh Moo-hyun đã phải lao mình xuống hang sâu tự vẫn vì lời cáo giác tiền chảy vào nhà ông, lúc ông đương thời, thông qua cửa người thân. Ở Anh, Australia, các chính khách khi gặp cảnh tương tự (dù mới bị tố giác) thì họ nhẹ lắm là từ chức.
Hàng ngàn người xếp hàng tiễn đưa ông Roh Moo-hyun yên nghỉ; các cử tri ở Anh, Australia vẫn tiếp tục bỏ phiếu cho các đảng mà chính khách từ chức, bởi họ nghĩ, đâu có quyền lực là ở đó có tham nhũng. Vấn đề là lòng tự trọng vẫn còn trong các chính khách này.
Nói đâu xa, cạnh Tiền Giang là Đồng Tháp. Hơn 1năm  trước, một ủy viên Trung ương - Bí thư tỉnh là ông Huỳnh Minh Đoàn và ông Trương Ngọc Hân - Chủ tịch tỉnh đã không tái cử, dù hai ông này công trạng đầy mình, lãnh đạo Đồng Tháp gặt hái khá nhiều thành công. Hai ông rút lui vì hai bà vợ của hai ông “lùm xùm” chuyện nuôi cá bè tại huyện Châu Thành, Đồng Tháp. Nếu như vợ làm, vợ chịu thì có khi 2 ông này giữ được chức.
Trở lại chuyện ông tướng và 80 triệu đồng... không biết từ đâu. Tạm gác qua khía cạnh pháp luật. Thử hỏi dân chúng Tiền Giang có thất vọng với người đứng đầu ngành tỉnh nhà không?
Dù muộn (Viện đã đề nghị kỷ luật) nhưng còn hơn không? Phút 89 cho lòng tự trọng không bao giờ thừa, nhất là với một vị tướng!

Nới thêm câu phép vua thua lệ làng

Miếu Triệu Tường nguy nga sừng sững dưới gầm giời Nam những tòa ngang dãy dọc ghi dấu tích đất Gia Miêu Ngoại trang, nơi phát tích 9 chúa, 13 vua thời Nguyễn đã bị phá trụi vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước. Địa danh ấy, xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Thôi, tiếc xót mà chi khi thời ấy, cơn cuồng phong bài trừ mê tín dị đoan như một cơn lốc đen cuốn bao đền đài miếu mạo vào tăm tích lẫn hư vô những danh lam, danh thắng mà bây giờ dân ta lẫn quan ta đang phải hì hụi phục dựng.
Lần ấy về Gia Miêu, ngồi ngắm cụ bà Nguyễn Thị Soạn đã 75 tuổi đương nghiêng ngó tấm hình mà anh cán bộ Sở Văn hóa đưa cụ coi. Tấm hình ấy chụp Miếu Triệu Tường từ trên máy bay, gọi là không ảnh trước năm 1945 (từng lưu ở Viễn Đông Bác cổ) thì chỉ nheo cặp mắt một tẹo, cụ đã vồ vập xuýt xoa rằng “đúng là như rứa!”.
Cụ Soạn những năm xa xưa ấy là con gái của một cửu phẩm, được đảm nhận việc trực ở điếm canh Miếu Triệu Tường.
Cụ cửu phẩm lắm hôm bận đi đánh tổ tôm hay có việc chi đó thường nhờ con gái trông hộ. Việc cũng nhàn. Có người vào lễ thì mở cửa Miếu cho họ. Tấp nập khách thập phương đến tế lễ là cữ sóc vọng (rằm hoặc mồng một âm lịch).
Cụ cửu phẩm ngày ấy đã là người thiên cổ.
Chuyện cụ Soạn đưa lũ hậu sinh chúng tôi ngược về buổi chiều u ám ấy. Cụ Soạn nhớ lại: Chập tối hôm Miếu bị đập phá, đợi lúc vắng người, cụ nhảo ra thắp hương phần hậu cung còn sót thì cụ Soạn kinh hãi đờ người khi thấy trên bức tường sót lại, hàng đàn rùa cỡ như cái mủng, cái mũ cứ lừ đừ nối nhau không biết bò đi đâu? Những con rùa này cụ Soạn từng coi Miếu đã quen lắm. Khách đến lễ Miếu cũng đã quen vì thi thoảng vẫn thấy các cụ vất vưởng bên lối đi trong Miếu.
Chúng (cụ Soạn thì gọi bằng cụ) được thả về đây hàng đàn khi Miếu Triệu Tường đã xây xong. Nghe nói để trấn yểm chi chả biết.
Kể từ năm một ngàn tám trăm linh mấy, sau thời điểm Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi thành Vua Gia Long, Miếu Triệu Tường được khởi công. Khi hoàn tất việc xây Miếu Triệu Tường, đàn rùa này được thả vào để coi giữ Miếu. Nhẩm sơ thấy thời điểm Miếu bị phá, không ít cụ cỡ tuổi trăm chứ chả bỡn?

Bàn tay lẩy bẩy của cụ Soạn khi miêu tả những chữ nghĩa này khắc trên mai, trên bụng lũ quy (mà tôi đoán là hoa văn vẫn thường có trên mai rùa) cho biết là cụ thân sinh ra cụ Soạn từng đọc được những Hán tự chi chi đó hẳn hoi.
Cụ Soạn cũng cho biết thêm là thần tình làm sao, từ bấy đến nay, tịnh không có ai ngó thấy bóng dáng của một cụ rùa nào cả! Ngày hai cây muỗm (gọi là cây quéo) cổ thụ phải hai người ôm trước cổng đền Triệu Tường bị đốn ngã xẻ ván, cụ Soạn cũng đã bưng mặt khóc…
Tôi ngó ra khoảng lúa vàng chanh mà thuở trước là nền miếu thiêng, cố tưởng tượng ra những tòa ngang dãy dọc của miếu xưa rồi lại lan man về những ngày ngắn ngủi Bác Hồ bí mật thăm Thanh Hóa đầu năm 1947.
Trước khi có cuộc nói chuyện với nhân sĩ trí thức phú hào Thanh Hóa vào ngày 20-2-1947, Bác Hồ đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Thanh Hóa. Bác thẳng thắn phê bình hiện tượng mất đoàn kết, cách mạng chưa gì mà đã tranh công tranh phần! Đặc biệt một đêm trước đó, cùng bộ phận tùy tùng, Bác đã đến thắp hương tại ngôi miếu thiêng Gia Miêu này.
Bác và những người đi theo đã khấn, đã thề thế nào trước anh linh của tiền nhân thì chỉ có người trong cuộc biết được. Nhưng trăm họ vốn họp nên nhà nên nước, vậy khấn chi thì khấn, “ông Cụ nhà mình” dứt khoát là bạch với tiên tổ nhà Nguyễn phù trợ cho cuộc kháng chiến chống ngoại xâm bớt xương bớt máu và mau đến thắng lợi!

Đình Gia Miêu, làng Gia Miêu Ngoại trang, nơi phát tích các vua, chúa Nguyễn

Thời ấy giành được nửa nước. Và bây giờ là cả nước. Nhưng Triệu Tường miếu đã không còn. May mà gần đây phục dựng được cái đình Gia Miêu làm chỗ thờ tự cho viễn tổ nhà Nguyễn. Nghe nói việc dựng đền Gia Miêu, ông Nguyễn Khoa Điềm thời ấy đương là Bộ trưởng Bộ Văn hóa đã đứng đằng sau lo liệu. Cũng phải thôi, viễn tổ của ông Điềm là hậu duệ của một vị quan nhà Nguyễn cũng phát tích từ đây.
Cũng lần ấy về Gia Miêu Ngoại trang, tôi cứ phân vân mãi trước động thái khẳng định chắc nịch của ông cán bộ bên ngành văn hóa xứ Thanh rằng, câu thành ngữ phép vua thua lệ làng là có xuất xứ từ làng Gia Miêu đây!
Chừng như để thêm chứng cứ, ông dẫn tôi rẽ vào nhà ông tộc trưởng, họ Nguyễn Gia Miêu - Nguyễn Hữu Thoại.
Ông Thoại là hậu duệ của viễn tổ Nguyễn Kim, thân phụ chúa Nguyễn Hoàng. Tuổi chưa phải là cao lắm nhưng ông có phong thái đủng đỉnh, thậm chí hơi bị oách của những vị đứng đầu một chi phái, một dòng tộc có máu mặt vẫn thường thấy ở các vùng quê. Vừa đủng đỉnh dẫn chúng tôi đi coi và thắp hương nhà thờ tổ, ông vừa thư thả kể cho nghe chuyện trưởng các chi, phái, các mệ từ trong Huế, những hậu duệ của các chúa, các vua Nguyễn này khác những năm gần đây kéo về bái yết hương khói cho quê tổ ra sao, nhất nhất gặp ông đều phải kính cẩn! Ông chỉ cho chúng tôi mấy bụi chuối sau nhà thờ tổ, nơi có cái tăng-xê (hầm trú ẩn) đào những năm kháng Pháp.
Năm 1953, mấy quả moóc-chê từ bốt Ninh Bình câu về Gia Miêu là vùng tự do, gây nên cái chết thê thảm của bà mẹ và em trai ông trú trong đó. Cụ thân sinh ông tham gia Việt Minh từ năm 1945, từng làm Chủ tịch Ủy ban Hậu cần kháng chiến xã, không biết cơn cớ gì, bị vu là phản động. Gia đình ông bị quy địa chủ. Bố ông bị bắt giam mấy năm trời. Nghe lời khuyên của bố nên ông chăm chỉ hương khói ở Miếu tổ Triệu Tường khi ấy còn sừng sững những tòa ngang dãy dọc chứ chưa bị phá tan hoang như sau này.


Thời ấy đương phải buổi nhiễu nhương loạn lạc thì ai dám hương khói? Ông Thoại chỉ thầm bái vọng tổ, cầu mong cho bố tai qua nạn khỏi. Cầu tất ứng, cảm tất thông chăng mà đến năm 1957, bố ông mới được tha, nhà được sửa sai xuống thành phần trung nông. Ông Thoại cho hay, nhà ông có một thứ gia bảo, nói đúng hơn là một tộc bảo. Dáng vẻ kính cẩn, ông dẫn chúng tôi vào ngách trong như là hậu cung của nhà thờ tổ để coi đôi câu đối mà năm 1936, Vua Bảo Đại tặng bố ông, trưởng họ Nguyễn Gia Miêu. Ông có vẻ tâm đắc, thuộc lòng với những ngữ nghĩa kêu choang choang của đôi câu đối được cẩn khắc theo lối chữ thảo trên hai khẩu gỗ tạo hình rất bắt mắt: Tòa phúc chi lan hương công khoát. Nhất lâm tùng trúc thái sinh quang. Như lời ông, thì Vua Bảo Đại từng ngồi trong ngôi nhà kia mà khi ấy ông còn bé, chuyện trò nước nôi với bố ông. Ngôi nhà ngói 5 gian cổ kính đã bị tháo ra bán tống bán tháo trong những năm khốn khó loạn lạc. Cái nhà mái bằng bây chừ trên nền gia cựu nhìn cứ chuê chuế thế nào...
Trong câu chuyện, các chúa thì không biết, nhưng ông Thoại nói hình như có cuốn sổ ghi chép khá chi tiết những lần các vua về bái yết tiên tổ ở Gia Miêu được lưu ở miếu Triệu tổ kia nhưng sau đó biến đâu mất! Đầu tiên là Vua Gia Long về Gia Miêu lưu lại khá lâu để thân coi sóc việc xây lăng Trường Nguyên lẫn miếu Triệu Tường. Rồi Vua Minh Mệnh cũng về Gia Miêu đề bài thơ ở lăng Trường Nguyên. Rồi Vua Thiệu Trị cũng về đề thơ trên lăng. Gần thì có Thành Thái, Bảo Đại. Vua Thành Thái về Gia Miêu không chỉ một lần. Lần rầm rộ nhất là khi nhà vua tuần du Bắc Hà, dự lễ cắt băng khánh thành cầu Paul Doumer, cầu Long Biên bây giờ.
Lần ấy, chưa rõ là lần nào, chừng như không muốn làm kinh động các quan hàng tỉnh lẫn dân làng Gia Miêu phải phục dịch đón rước khổ sở, Vua Thành Thái đã cho đoàn tùy tùng từ đường thiên lý ngoặt vào lối rẽ, chỗ ngã ba Bỉm Sơn, Hà Long bây giờ để vào Gia Miêu bái yết tiên lăng lẫn miếu Triệu Tường. Thấy một đoàn người mũ mão sênh sang cứ nghênh ngang tiến thẳng vào chốn thâm nghiêm, vượt qua cả biển đề hạ mã, trương tuần làng Gia Miêu nổi giận, thét tuần đinh ngăn lại. Ai đó trong đoàn tùy tùng cười nhạt, buông giọng khinh khi: “A quân này láo, dám cản đường vua à?”. Viên trương tuần thấy một việc bất kính chưa từng xảy ra ở đất quý hương này, đồng thời còn bị cản trở khi thi hành công vụ. Có lẽ quyền hạn của chức sắc quý hương Gia Miêu theo quy định thời ấy chắc cũng khá oách, nhất lại là đám tuần đinh quen thói thiên lôi, chỉ đâu đánh đấy, lại thấy bọn người sang trọng kia xấc xược, mạo xưng vua nữa chứ! Mà vua về quý hương cũng là cái sự thường. Nhưng vua về thì quan đầu tỉnh phải có trát thông báo từ nhiều ngày trước đó, bèn nổi trận lôi đình, thúc tuần đinh làm dữ hơn.
Về sau này có người nói, vụ đó vua bị xúc phạm ra sao, thậm chí có người còn khẳng định đám tùy tùng bị trói đánh nữa... Nhưng may phúc, Vua Thành Thái không những tha mà còn khen cho sự mẫn cán của tuần đinh làng Gia Miêu. Tiếng lành, tiếng dữ đồn xa... Không ít nơi dậy lên cái chuyện vua về quê cũng bị cản! Chuyện của người làng Gia Miêu, của ông trưởng tộc Nguyễn rồi cả ông cựu bí thư kia không biết là xác thực đến đâu... Chắc câu thành ngữ phép vua thua lệ làng ấy phải có từ lẩu lâu rồi ở một đất nước thuần nông vốn lấy hương ước làm trọng, nhưng thiển nghĩ, chưa khi nào nó được vận vào trường hợp của Vua Thành Thái về quê Gia Miêu lần ấy lại sinh sắc, sống động như vậy!
Nhân chuyện của ông trưởng tộc, tôi lại nghĩ đến bữa đã lâu được ngồi với anh em làm sử xứ Thanh mà có người khẳng định chuyện này đã được chép trong quốc sử quán triều Nguyễn (!?). Vào dịp ngũ tuần đại khánh của mình, Vua Minh Mạng nghĩ ra một việc. Nhà vua ra chiếu cho đất quý hương Tống Sơn phải tìm được 50 cụ ông bất kỳ, tuổi tròn 50 ở vùng Gia Miêu, cho vời vào Huế để nhà vua thết tiệc riêng, coi như cái tình thân cố quận. Các cụ làm nghề gì thì làm nhưng dứt khoát hộ khẩu thường trú phải là đất quý hương Gia Miêu chứ không thể là người của làng khác! Lệnh vua ban, ai mà dám đơn sai nên các nhà chức việc địa phương đều nghiêm ngặt tuân thủ. Đúng hẹn, các cụ bô lão vùng Gia Miêu của đất Quý Hương có mặt ở đất thần kinh sông Hương núi Ngự.
Khi tiếp cận, trong bữa tiệc, vua lấy làm ngạc nhiên, sao mà các cụ đất Quý Hương trông thần sắc ai cũng võ vàng lại kém hoạt bát như rứa? Có thể trên đường trẩy kinh, các cụ tuổi cao sức yếu nên những sự mệt nhọc này khác chưa thuyên giảm? Trong tiệc, vua thân hỏi thăm nhiều người và kinh ngạc làm sao khi phát hiện trong lý lịch trích ngang của các cụ thì có tới một phần ba là... ăn mày! Số còn lại thì đời sống cũng gieo neo tất tả lắm, tay vo miệng lốm, chẳng ai gọi là dư dật giàu có gì. Khi đã tỏ sự tình, nhà vua lấy làm ngậm ngùi cho cái đất quê nhà, bao năm rồi hẵng còn khốn khó như rứa!
Khốn khó triền miên một Gia Miêu nói riêng và cả huyện Hà Trung vốn vùng đồng trũng liên tằng lụt lội. Tức tưởi bao năm rồi mà vẫn chưa gột được câu ca đeo bám: “Muốn ăn cua rốc ốc nhồi/ Có con thì gả cho người Hà Trung”. Hằng bao năm như thế, chưa có công trình thủy lợi nào ra hồn để tưới tiêu thau chua nên đời sống dân vẫn cứ bấp bênh. Mãi cho đến thời đổi mới hơn mươi năm trở lại đây chứ mấy, thủy lợi cùng với nhiều biện pháp ráo riết khác để xóa đói giảm nghèo, 24 xã của Hà Trung, trong đó có Gia Miêu, đời sống mới tạm ổn. Ngồi với Chủ tịch xã Hà Long của đất quý hương Gia Miêu họ Nguyễn, Nguyễn Hải thấy tỷ lệ nghèo theo chuẩn mới 15% toàn xã, thấy cũng hơi cao nhưng mà mừng, Hà Long đã không còn hộ đói.
Trước lúc rời Gia Miêu, vùng đất thang mộc xứ Thanh từng tiềm ẩn biết bao sự sinh sắc độc đáo và sự phiền toái nữa, tôi bỗng nhớ thêm câu chuyện đại loại, chỉ vì con dâu của một ông vua mà Thanh Hoa phải thành Thanh Hóa của anh em làm sử xứ Thanh bữa đó... Số là Vua Minh Mạng có người con dâu là Hồ Thị Hoa. Hồ Thị Hoa xinh đẹp, thông minh không may chết sớm. Minh Mạng thương nhớ con dâu bèn đặt là lệ kỵ húy, hoa phải gọi chệch đi là huê. Theo đó, chợ Đông Hoa ở Huế mang tên là chợ Đông Ba. Người xứ Huế và nhiều vùng phía nam gọi huê thay cho hoa bao đời nay. Ngay cả một xứ khổng lồ như Thanh Hoa (gồm cả Thanh Hoa nội lẫn Thanh Hoa ngoại) từ thời điểm kỵ húy ấy đã trở thành Thanh Hóa! Chuyện ấy thực hư ra sao, mong các bậc cao minh chỉ giáo?
Lại cả việc này nữa. Nhân chuyện về một loạt kiêng húy từ đời chúa đến các đời vua Nguyễn, một ông cứ khăng khăng rằng, các vị chúa lẫn vua Nguyễn ấy đã từng góp cho vốn từ vựng tiếng Việt nhiều đời nay thêm sinh sắc phong phú!
Thử ngẫm mà coi, tỷ như tên chúa Tiên là Hoàng nên đổi họ Hoàng thành Huỳnh, chữ “hoàng” cũng đọc là “huỳnh” (lưu huỳnh) Nguyễn Phúc Khoát là “Vũ Vương”, nên người họ Vũ ở Đàng Trong đổi thành họ Võ. Chữ “Phúc” đọc thành “Phước” để tránh chữ “Phúc” trong họ Nguyễn Phúc của vua chúa nhà Nguyễn. Chữ “Cảnh” là tên Nguyễn Phúc Cảnh (con cả Nguyễn Ánh, người được Nguyễn Ánh đưa sang Pháp làm con tin để đổi lấy sự giúp đỡ đánh Tây Sơn) phải đọc là “kiểng”, nên “cây cảnh” gọi là “cây kiểng”. Chữ “Kính” là tên Nguyễn Hữu Kính, người khai lập Sài Gòn phải đọc chệch là “kiếng” nên “tấm kính” gọi là “tấm kiếng”. Chữ “Tông” là tên Nguyễn Phúc Miên Tông tức Vua Thiệu Trị (cháu nội Nguyễn Ánh), phải đọc là “tôn”. Do đó một loạt sử sách chép miếu hiệu các vua như Lý Thánh Tông, Lê Thánh Tông, Trần Thái Tông... đều ghi là Lý Thánh Tôn, Lê Thánh Tôn, Trần Thái Tôn...
Đến tận sau này, một số sách sử thời hiện đại vẫn bị ảnh hưởng ấy và chép miếu hiệu các vua từ "Tông" thành "Tôn". Các tên đường phố phía Nam, chiểu theo miếu hiệu các vị vua, hiện nay cũng đa phần ghi “Tông” thành “Tôn”. Chẳng những thế, một dòng họ hoàng tộc, vốn được đọc là Tông Thất, nhưng vì kiêng húy chữ Tông này nên phải đọc thành Tôn Thất.
Quanh làng Gia Miêu, nơi phát tích một vương triều cứ dài dài những chuyện nhiêu khê lẫn độc đáo. Một bận, nhà thơ Nguyễn Duy cứ hối tôi nên bỏ công để làm một sêri dài dài về tên các đường phố lẫn các trường học, nhất là ở một số tỉnh phía Nam từng mang tên một số vị vua, chúa nhà Nguyễn, nay không biết vì cơn cớ gì, đã bị đổi thành tên khác?
Rằng hay thì thật hay! Nhưng lần lữa mãi mà tôi vẫn chưa mần được!
Ghi chép của Xuân Ba

Trang